Giữ lá đơn có chữ ký của Đại tướng như báu vật

09/10/2013 10:15 GMT+7

(TNO) May mắn hơn nhiều người lính khác, bác Ngô Xuân Chiến (72 tuổi, ở phố Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vinh hạnh khi trực tiếp xin được chữ ký của Đại tướng trong lá đơn xin hưởng chế độ cho đồng đội của mình. 20 năm qua, bác giữ lá đơn như báu vật trong cuộc đời của mình.

 Bác Ngô Xuân Chiến 1
20 năm qua, bác Chiến giữ lá đơn chứng nhận người lính có chữ ký của Đại tướng như báu vật đời mình - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Từ sáng sớm, bác Chiến cùng đông đảo anh em trong Đoàn Điều dưỡng Người có công TP.Hà Nội đã có mặt xếp hàng trước cổng nhà số 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội) để chờ đến giờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngoài bộ quần áo lính đã sờn chỉ, bạc màu, tấm huy chương đeo trên ngực cùng chiếc gậy chống đi…, bác Chiến còn mang theo một lá đơn trong đó có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Bác Chiến bồi hồi nhớ lại giây phút gặp Đại tướng. Hồi ấy là chiều 12.3.1993, sau khi bác trình bày nguyện vọng, các chiến sĩ cảnh vệ đã thông báo cho Đại tướng và bác được cho vào phòng làm việc gặp Đại tướng. Năm ấy, Đại tướng hơn 80 tuổi, tóc đã bạc nhưng vẫn nhanh nhẹn. Lần gặp Đại tướng hiếm hoi ấy kéo dài được gần 10 phút nhưng nhất cử nhất động cho đến bây giờ, bác Chiến vẫn không thể quên được.

“Trước khi nói nguyện vọng, Đại tướng hỏi về cuộc sống của người lính thời bình. Tôi chỉ kịp kể với Đại tướng một vài câu về chiến trận năm xưa, về những lần bị sức ép của trận mưa bom khiến chấn thương sọ não, về những người bạn lính trở về từ chiến trận người cụt chân, người chịu di chứng chất độc da cam, thân thể không còn lành lặn… thì Đại tướng đã ôm chầm lấy tôi rồi khóc và nói rằng "Đúng là người lính của thời đại Hồ Chí Minh đây rồi". Kể đến đây giọng bác Chiến như nghẹn lại.

 Bác Ngô Xuân Chiến 2
Bác Ngô Xuân Chiến (đứng đầu) trong đoàn cựu chiến binh thuộc Đoàn Điều dưỡng Người có công TP.Hà Nội xếp hàng viếng Đại tướng - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Bác Chiến cũng là một thương binh nặng “vào sinh ra tử” trong chiến trường miền Nam khốc liệt, từng tham gia các trận đánh lớn như Mậu Thân năm 1968; chiến dịch đường 9 - Nam Lào; Khe Sanh - Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình lập lại, bác trở về sống trong căn nhà trên phố Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) rồi sau này chuyển về ở trong Đoàn Điều dưỡng Người có công TP.Hà Nội.

20 năm trôi qua, bác Chiến gìn giữ lá đơn như báu vật bởi không phải ai cũng có được chữ ký quý báu của Đại tướng. Bác trân trọng mang đi ép plastic; cất kỹ trong rương, thỉnh thoảng lại đem ra đọc lại và “khoe” với bạn lính năm xưa như một vinh hạnh đời mình.

Mặc dù giấy đã ngả màu nhưng những dòng chữ của Đại tướng vẫn còn in rất rõ: “Tôi chứng nhận đồng chí Đoàn Mạnh Tài (đồng đội của bác Chiến - PV) có tham gia bộ đội bảo vệ cơ quan Bộ Tổng chỉ huy và những năm đầu cách mạng….”. Ngay ở dưới có có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kèm thèo dòng chứng nhận: “Chứng nhận lời ghi và chữ ký trên đây là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cùng dấu đỏ mực vẫn còn tươi rói.

Vào viếng Đại tướng, bác Chiến mang theo bên người lá đơn có chữ ký ấy vào phòng thờ để làm lễ như là một cách tưởng nhớ đầy lòng thành kính đến Đại tướng.

“20 năm trước, Đại tướng còn ngồi trong phòng làm việc căn nhà này. Nhưng bây giờ đã không còn nữa, vĩnh viễn ra đi rồi. Hụt hẫng quá”, bác Chiến nghẹn ngào.

Nguyễn Tuấn

>> Nhân dân sẽ tôn thờ Đại tướng như một vị thánh
>> Gia đình lập trang Facebook chính thức về Đại tướng
>> Đưa thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quảng Bình bằng máy bay ATR 72
>> Bắt đầu thi công đường vào khu an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Video: Hàng vạn người dân viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Tình nguyện viên Việt Nam - Canada về thủ đô viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng coi người phục vụ như anh em ruột thịt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.