Đang đi trên đường phố tân kỳ, chợt giật mình khi gặp một ngôi chùa cổ nằm lọt giữa bốn bề cao ốc. Bao nhiêu làng cổ là bấy nhiêu ngôi đình khiêm tốn nép vào bóng phố. Bà cụ áo nâu răng đen đầu khăn mỏ quạ tất tưởi đi đâu về rẽ vào ngõ vắng. Nét chấm phá đan xen giữa không gian cũ - mới làm nên một Hà Nội thâm sâu mà hiện đại. Không xúc động sao được khi đang đi trên phố, bỗng lạc ngay vào một hội làng. Cũng đám rước linh đình có cờ hội trống hội, có đủ các trò tích vốn là chuyện của làng quê xưa.
Tôi đã từng có dịp dự hội đền Đồng Nhân ở Q.Hai Bà Trưng. Cái đền ấy thờ hai nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà bây giờ quận ấy mang tên. Cái lạ nhất của hội đền là người Hà Nội đã lên tận Hát Môn trên Sơn Tây mời dân làng trên ấy về cùng mở hội. Hỏi ra mới hay trước khi tuẫn tiết hai bà đã trở về sông Hát tắm gội và đãi quân sĩ món bánh trôi. Xác hai bà trôi theo sông Cái về đến làng này (Đồng Nhân) thì đã thấy dân chờ sẵn để vớt lên an táng tại đây. Cỗ làng ngày hội đền có cả sản vật của mấy làng Hát Môn, Phụng Công. Chiếu trải sân đền, ngàn người sắc phục lễ hội nườm nượp lễ bái và gặp gỡ giao lưu thân tình như thuở làng còn nguyên vẹn.
Đâu đây ở thủ đô vẫn còn những nét cổ xưa như vậy. Thật đáng trân trọng! Cái làng Kim Liên nay toàn nhà cao tầng nhưng góc cổ kính vẫn còn, ấy là cái đình làng to tướng vừa được thành phố đầu tư tôn tạo mấy tỉ đồng. Trong bức bối của bê tông và sự lạnh lùng của người hàng phố vẫn yên ả một không gian văn hóa tự ngàn đời. Nơi ấy còn lưu giữ chút ấm áp của tình làng nghĩa xóm, đạo lý truyền thống, tri ân người khai khẩn lập nên trang ấp xưa, rồi đặt cho tên làng tên ấp. Thời gian trôi đi và người đời bon chen xô bồ nhưng lại có những không gian cần thiết để mà ngưỡng vọng tiền nhân, để mà thư thái tâm hồn mỗi khi mỏi mệt.
Mấy cái cổng làng dù đã mất đi nhiều nhưng may mắn vẫn còn nơi đây đó. Cổng làng hãnh diện giới thiệu với người đời sau, với du khách rằng nơi đây từng là một ngôi làng cổ, những Mọc, Quan Nhân, Nam Đồng, Định Công, Giảng Võ... Hãy nhớ về những nét làng quý giá dù nếp làng đã mai một quá nhiều.
Hãy giữ lấy những nét làng trong phố. Đó là di sản chứ không phải dấu vết quê mùa mà ai đó muốn đoạn tuyệt. Nên chăng có quy hoạch cho những dấu xưa để mà gìn giữ. Người ta đang làm hàng trăm đồ án quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, nhưng chưa thấy công bố một đề án cho không gian lịch sử văn hóa Hà Nội.
Tân Linh
>> Biến dạng di tích - Kỳ 4: Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa
>> Phản hồi bài báo 'Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa': Thay đổi do yêu cầu thực tế
Bình luận (0)