Giữ nghề đan bàng

09/09/2016 13:02 GMT+7

Trong khi nhiều nơi phụ nữ nông thôn ào ạt bỏ lên thành phố để tìm việc làm tại các khu công nghiệp, thì ở nhiều vùng của các huyện Tân Phước, Châu Thành, Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn hình thành những xóm, ấp chuyên làm ra các sản phẩm độc đáo từ cây bàng.

Là một trong những xã vùng nông thôn sâu thuộc H.Tân Phước, ông Huỳnh Hiểu Đan, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hòa Thành, cho biết Tân Hòa Thành hiện có hơn 1.400 lao động nữ làm nghề đan (người địa phương gọi là đươn) các sản phẩm từ cây bàng, một ngành nghề truyền thống có từ lâu đời.
Trong đó, ấp 1, 2 thì đan giỏ, ấp 3, 4 đan nón, ấp Tân Phú, Tân Vinh thì đan đệm bàng. Rất nhiều người có tay nghề trên 30 năm. Nhưng mặt hàng chủ yếu hiện nay là đan nón và giỏ bàng theo đơn đặt hàng hoặc cung ứng cho các đơn vị xuất khẩu. Còn đệm bàng, nóp bàng… do ít người sử dụng nên chỉ khi có người đặt thì mới làm.
Xóa độc canh cây lúa


Ở những vùng đất trũng, bị nhiễm phèn, trồng bàng hiệu quả hơn cây lúa. Một neo (bó) bàng hiện có giá từ 20.000 - 27.000 đồng.
Một công đất thu hoạch được chừng 600 neo. Thời gian trồng khoảng 5 - 6 tháng

Ông Huỳnh Hiểu Đan, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hòa Thành, H.Tân Phước

Cây bàng xưa mọc hoang dại rất nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, diện tích bàng hoang không còn, nên người dân phải tự trồng để lấy nguyên liệu đan lát. Ngoài xã Tân Hòa Thành, các vùng lân cận như Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Tân Lập (cùng H.Tân Phước) vẫn còn nhiều diện tích trồng bàng. “Ở những vùng đất trũng, bị nhiễm phèn, trồng bàng hiệu quả hơn cây lúa.
Một neo (bó) bàng hiện có giá từ 20.000 - 27.000 đồng. Một công đất thu hoạch được chừng 600 neo. Thời gian trồng khoảng 5 - 6 tháng”, ông Huỳnh Hiểu Đan cho biết.
Xác định đây là một trong những ngành nghề giúp xóa độc canh cây lúa, tăng thêm thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương từng liên hệ với một doanh nghiệp xuất khẩu nón đi Nhật, với hợp đồng cung ứng 2.000 sản phẩm mỗi tuần. Nhưng vì phía đối tác đưa ra yêu cầu về kỹ thuật rất cao, trong khi giá cả không tương xứng, nên chỉ làm được hơn một năm thì hợp đồng không thể tiếp tục.
Dù vậy, nghề đan bàng vẫn tiếp tục được duy trì. Theo UBND xã Tân Hòa Thành, trung bình mỗi tháng khu vực làng nghề làm ra được khoảng 150.000 chiếc nón bàng, 45.000 giỏ bàng và 600 chiếc đệm bàng. Phần lớn sản phẩm đều được xuất khẩu nhưng vì phải qua trung gian nên giá không cao. Ví dụ, năm 2013, đơn giá một chiếc nón là 3.500 đồng, giỏ 12.000 đồng và đệm 55.000 đồng; năm 2014, nón 3.800 đồng, giỏ 14.000 đồng và đệm 70.000 đồng. Còn hiện nay, đơn giá giỏ là 18.000 đồng, nón từ 5.500 - 5.800 đồng một chiếc.
3 thế hệ cùng đan nón


Trước đây, bàng thu hoạch về được giã bằng tay cho cọng mềm ra. Theo đó, neo bàng đặt trên mục bàng bằng gỗ (cao chừng 10 cm, rộng 20 cm, dài khoảng 1,5 m), 2 người đứng ở hai đầu giã bằng chày (chày dài chừng 1,5 m, 2 đầu to ra, khá nặng) cho đến khi cọng bàng mềm. Không giống như tiếng chày giã gạo cụp cùm cum, tiếng giã bàng nghe bình bịch, bình bịch... Nhưng bây giờ ép bằng máy nên tiếng giã bàng cũng không còn nữa. Tương tự, cặp bàng sau này không còn thấy. Ngày xưa học trò ở quê chủ yếu sử dụng cặp bàng. Về hình thức chiếc cặp bàng có 2 ngăn, xếp lại, kỹ thuật giống như đan đệm, nhưng ở 2 đầu được bẻ góc, hoa văn khá đẹp. Chỉ có điều khi gặp mưa thì bị ngấm nước.

Năm nay 75 tuổi, bà Đoàn Thị Tiễn (ngụ ấp 1, xã Tân Hòa Thành) cho biết: “Nhà 3 người, tui, con dâu và cháu nội cùng đươn nón. Ruộng thì con trai làm. Gia đình nghèo, hồi xưa mới chừng 9 - 10 tuổi là tui đã học đươn đệm rồi. Sau này mới làm nón và giỏ bàng. Nhưng đệm bàng bây giờ lâu lâu mới có người đặt, vì người ta xài chiếu nhiều, ít ai còn xài đệm ngủ. Phơi lúa thì cũng bằng sân xi măng chớ không phơi bằng đệm như trước. Nóp thì không ai làm nữa vì không có người mua. Ngày xưa người đi ghe, giăng câu, lưới bằng xuồng hoặc ban đêm giữ lúa ngoài đồng thường ngủ bằng nóp”.
Hôm chúng tôi ghé nhà thấy bà Tiễn đang làm chiếc nón 3 bo. Bà giải thích sau khi giao hàng, người ta sẽ làm tiếp công đoạn cắt rìa, ép khuôn, lận thêm bo rồi may viền mới hoàn chỉnh chiếc nón.
Đan nón, đan giỏ bây giờ ít vất vả hơn xưa, vì bàng thì có người chở bằng xe máy tới bán tận nhà. Giá bán tính từng neo. Người mua chọn những cọng bàng bằng nhau cột lại phơi chừng một nắng rồi đem đi ép bằng máy. Sau đó mang về phơi tiếp rồi đi ép lần nữa cho cọng bàng mềm, dẹp. Trung bình một neo bàng đan được 10 chiếc nón, bán được 65.000 đồng. Mỗi ngày bà Tiễn đan được một chục nón, trừ tiền bàng, tiền ép bàng, bà còn được khoảng 35.000 - 40.000 đồng.
Trên con đường nhựa xuyên qua cánh đồng lúa ở ấp 2, xã Tân Hòa Thành, chúng tôi ghé lại hỏi thăm một bà già lưng còng đang lom khom phơi bàng trước sân ở một căn chòi nhỏ giữa đồng. Đó là bà Nguyễn Thị Giác, 76 tuổi. Bà cho biết trước đây nhà có 4 công ruộng nhưng do cháu nội trồng ớt, trồng bí rồi bán không được, bị lỗ, thiếu nợ nên phải cầm đất, chỉ còn cái nền nhà. Giờ mỗi ngày bà cặm cụi ngồi đan nón một mình để kiếm tiền mua gạo, mua thức ăn.
“Hồi nhỏ ngoài thời gian đi cấy, đi cắt lúa mướn, tôi còn đươn đệm lại phải tự giã bàng. Còn bây giờ đươn đệm thì không thấy đường ghim bàng, vì mắt đã mờ, vậy nên đươn nón nhưng phải đeo kiếng. Mỗi ngày tui đươn chừng 5 cái nón, đem giao được 25.000 đồng. Hồi nhỏ nghèo, giờ vẫn còn nghèo. Thôi kệ, cực vậy mà thanh thản”, bà Giác chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.