Hiện nay, ở nhiều nơi, một số cánh rừng nguyên sinh đang âm ỉ "chảy máu". Vì vậy, việc giữ rừng vốn đã khó, giữ được những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm còn khó gấp bội lần. Tuy nhiên, việc người đồng bào Cơ Tu ở H.Tây Giang có ý thức, đối xử văn minh với rừng thông qua hệ thống các giá trị của hương ước, luật tục… là điều rất đáng trân trọng. Nhờ vậy, những cánh rừng quý luôn được bình yên giữa "giông bão" phá rừng.
Điều đặc biệt, trách nhiệm bảo vệ cánh rừng già được đồng bào "chia" đến từng thành viên, gắn vai trò trách nhiệm giữa cá nhân với cộng đồng. Hằng ngày, ngoài công việc tuần tra, đẩy đuổi những người lạ mặt vào rừng, họ chăm sóc cây rừng như chăm sóc chính bản thân mình. Thầm lặng như vậy để rừng pơ mu, đỗ quyên được bình yên và giờ trở thành rừng di sản độc đáo ở VN.
Với đồng bào Cơ Tu, rừng già không chỉ có giá trị về sinh thái mà còn có ý nghĩa tâm linh. Họ không xem rừng là tài nguyên để chiếm lĩnh, mà cứ như người bạn, người thân. Họ luôn ứng xử văn minh và tôn thờ thần rừng, nhất là rừng thiêng ở đầu nguồn, rừng có nhiều động thực vật quý hiếm… Rừng là một phần máu thịt, là tài sản chung của dân làng nên cộng đồng vùng cao luôn ra sức bảo vệ.
Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, nói với người viết rằng, không có cách nào bảo vệ rừng hiệu quả hơn là giao rừng cho chính người dân quản lý. Ở vùng cao Tây Giang, người dân gắn bó với rừng đã bao đời nay, nên hơn ai hết, chính họ mới hiểu rừng, mới "thuộc" rừng và bảo vệ rừng hữu hiệu nhất. Bây giờ, cánh rừng pơ mu, đỗ quyên trên quần thể núi Zi'liêng hùng vĩ là kho báu khổng lồ nên càng được cộng đồng Cơ Tu quyết tâm gìn giữ cho con cháu mai sau. Những cánh rừng này luôn bất khả xâm phạm.
Bình luận (0)