Giữ sức khỏe theo mùa

08/02/2016 06:06 GMT+7

Thời tiết các mùa trong năm có ảnh hưởng đến cơ thể con người; việc ăn uống, dưỡng sinh do vậy cũng phải biết “nương” theo thời tiết.

Thời tiết các mùa trong năm có ảnh hưởng đến cơ thể con người; việc ăn uống, dưỡng sinh do vậy cũng phải biết “nương” theo thời tiết.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Đông y cho rằng khí hậu các mùa trong năm là xuân ôn, hạ nhiệt, thu lương, đông hàn. Theo lương y Phạm Như Tá (TP.HCM), mùa xuân hay bị cảm cúm phong nhiệt, ho viêm phế quản. Có thể tự làm nước uống để trong ngày phòng chống bệnh như: lá dâu tằm và hoa cúc (lượng bằng nhau chừng 10 gr) đem nấu với 4 chén nước (1 lít), nấu còn 3 chén để dùng trong ngày. Ngoài giải khát, phòng cảm cúm còn trị viêm họng, ho, đau đầu. Mùa xuân không dùng nhiều chất béo, nên ăn uống thanh đạm.
Mùa hạ nóng bức, ra nhiều mồ hôi, dễ mắc bệnh đường tiêu hóa nên cần dùng nhiều rau quả tươi, giảm món ăn cay nóng, hạn chế dùng thực phẩm còn sống và lạnh, tăng cường đồ ăn thức uống có vị đắng, tính mát; ăn uống giữ vệ sinh (vì thức ăn dễ ôi thiu do tiết trời oi nóng) để phòng bệnh đường tiêu hóa. Có thể dùng rau cải và thịt bò theo tỷ lệ 2:1 đem nấu với 2 lít nước, nấu chín để dùng có công dụng tăng lực, lợi khí.
Mùa thu khí hậu khô táo (ráo). Táo khí mùa thu thường gây khô miệng, khô rát cổ, nếu táo khí vào phế sẽ gây ho. Mùa thu nên thường xuyên dùng món cháo nấu từ lá tỳ bà diệp, gạo tẻ và đường cát. Gạo tẻ và lá tỳ bà diệp lấy theo tỷ lệ 3:1 (nếu một người dùng thì lấy 15 gr lá tỳ bà diệp, 45 gr gạo tẻ). Nấu lá tỳ bà diệp lấy nước bỏ bã rồi lấy nước này đem nấu cháo, gia vào ít đường cát (vừa dùng). Món này giúp bổ âm, trị các chứng do táo nhiệt gây ho khan, viêm họng kéo dài.
Với mùa đông khí hậu lạnh, ăn uống lâu tiêu, cần dùng những món ăn ấm nóng và giữ cơ thể ấm áp. Thi thoảng nên dùng món cháo nấu từ gạo tẻ với gừng tươi. Lấy 100 gr gạo tẻ nấu với 10 gr gừng tươi, dùng khi cháo còn nóng ấm.
Ăn uống lấy lại sức
Có một số món ăn giúp bồi bổ theo hướng dẫn của lương y Quốc Trung và Như Tá:
- Lấy một con gà ác, 10 gr tiêu sọ, một trái dừa tươi, cùng hành, tỏi, gừng tươi (cắt sợi), gia vị. Gà làm sạch, ướp với tỏi, đường, hành, muối... cho thấm. Cho gà, tiêu sọ, gừng tươi, nước dừa tươi vào thố sành, đậy nắp thố đem chưng cách thủy đến chín mềm nguyên liệu. Lấy gà ra chấm muối tiêu dùng lúc còn nóng ấm. Ngoài bổ dưỡng, món này còn giúp kiện tỳ vị, tiêu hóa thức ăn, cải thiện tình trạng khó tiêu.
- Dùng một con gà mái tơ lông đen làm sạch, bỏ bộ đồ lòng. Lấy 1 lít rượu trắng luộc gà cho chín, rồi lấy nước gà luộc này dùng, còn gà thì đem nấu cháo, nêm nếm gia vị trong đó có gừng và hành. Hoặc dùng cách khác: lấy con gà mái tơ lông vàng làm sạch đem nấu cháo với 100 gr đậu đỏ, 10 gr vị thuốc thảo quả. Món này vừa bổ dưỡng vừa giải quyết tình trạng bụng óc ách khó tiêu.
- Dùng một con gà mái tơ, béo, làm sạch, bỏ lòng ruột, cắt thành miếng, gừng tươi 200 gr thái mỏng, táo tàu 250 gr. Cho tất cả vào nồi đất cùng 2 lít rượu trắng loại ngon, nêm nếm gia vị vừa dùng, hầm thật lâu cho chín mềm. Món này bồi bổ, lấy lại sức rất hay.
- Dùng 200 - 300 gr thịt dê, một ít trần bì (vỏ quýt), vị thuốc thảo quả và tấn phát (mỗi loại 3 gr) cùng 1 củ cải, vài gốc hành, tiêu, gừng. Thịt dê rửa sạch, cắt mỏng, củ cải cắt miếng, trần bì bỏ màng lụa trắng bên trong, cắt nhỏ, gừng cắt mỏng. Cho tất cả vào nồi, nêm nếm gia vị, hầm chín mềm; có thể lấy nước hầm này cùng gạo nấu cháo. Món này giúp bồi bổ, còn cải thiện được chứng mỏi lưng do vận động nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.