Giữ thảm gạch, cột đèn di sản

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/04/2019 11:49 GMT+7

Một số chuyên gia cho rằng nếu không giữ được các tòa nhà di sản thì nên giữ lại những chi tiết cấu thành nên chúng, có giá trị mỹ thuật, kiến trúc như thảm gạch, cột đèn, họa tiết... xưa. Đó chính là giữ hình dung về lịch sử đô thị.

Ông Trịnh Hiếu (Công ty sáng tạo & truyền thông S-River) có 30 năm sống trong biệt thự Pháp và thuộc lòng từng chiếc cột trong khu biệt thự này. Chính vì thế, khi nhìn thấy một cột đèn trên đường Yên Phụ (Hà Nội), ông giật mình bởi nó quá giống với những hoa văn mà ông đã thấy trên chiếc cột trong phòng mình. “Tôi nhớ rõ họa tiết trên đầu cột. Nó giống hệt chi tiết trên cột đèn. Vì thế, đến 98% tôi khẳng định cột đèn này có từ thời Tây”, ông chia sẻ.
Ông Hiếu còn cho biết vị trí cột đèn rất gần với một ngôi nhà. Trao đổi với chủ nhân ngôi nhà này, ông được biết trước đây ở đó có 2 cột đèn. Tuy nhiên, đã có một nhóm người tự nhận là nhân viên Công ty chiếu sáng đô thị Hà Nội tới định bứng cả 2 cột đi. “Người dân đã gọi điện báo cho công an. Công an tới kiểm tra giấy tờ xác nhận đúng họ từ công ty chiếu sáng đô thị. Tuy nhiên, những người này chỉ mang được 1 cột đèn đi”, ông Hiếu nói.
Giữ thảm gạch, cột đèn di sản1
Tượng chú gà trống trong thương xá TAX cũng là một di sản đô thị Ảnh: Trung Hiếu
Ông Hiếu cũng đã liên lạc với Bảo tàng Hà Nội về vụ việc này với mong muốn bảo tàng có thể mang hiện vật về trưng bày. Bảo tàng đã mời TS Trần Hậu Yên Thế, người nhiều năm nghiên cứu về hoa sắt thời Pháp ở Hà Nội. “Cột đèn đó có thể có từ thời Pháp”, ông Thế cho biết. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, Sở sẵn sàng hỗ trợ Bảo tàng Hà Nội làm thủ tục đưa hiện vật về trưng bày, có điều cần xác định rõ giá trị hiện vật.
Cùng lúc với cột đèn này, Bảo tàng Hà Nội cũng đang “ngắm” 2 biệt thự Pháp trên phố Lý Thường Kiệt. Hai biệt thự này dự kiến có thể phải phá dỡ, trong khi nhiều khả năng tại đây vẫn còn những hiện vật mang dấu ấn kiến trúc Pháp có giá trị. Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết bảo tàng đã nhận được thông tin về khả năng phá dỡ 2 biệt thự Pháp và đơn vị của ông đang tiếp cận với địa điểm. “Chúng tôi đến khảo sát với tư cách đơn vị bảo tàng. Theo luật thì những hiện vật quý như vậy sẽ được đưa về bảo tàng cấp tỉnh, TP trên địa bàn. Trên địa bàn Hà Nội thì Bảo tàng Hà Nội có trách nhiệm gìn giữ và bảo lưu những hiện vật này”.
Giữ thảm gạch, cột đèn di sản2
Cây cột đèn được cho là có từ thời Pháp Ảnh: Trần Hiếu

Di sản đô thị không chỉ là tòa nhà

Những hoa sắt - cũng là di sản đó - hiện không được quan tâm. Tôi đã từng chứng kiến những công trình xây dựng bị đập đi, mất đi, kèm theo cả những hoa sắt tuyệt đẹp

TS Trần Hậu Yên Thế

Việc Bảo tàng Hà Nội tìm cách đưa những hiện vật đơn lẻ như cột đèn hoặc các hiện vật kiến trúc trong ngôi nhà cũ gợi liên tưởng tới vụ việc ở thương xá TAX (TP.HCM). Khi di sản kiến trúc này không thể giữ được mà phải đập đi, người yêu di sản đã yêu cầu, TP cũng chấp nhận bảo tồn thảm gạch mosaic cũng như lan can cầu thang đặc trưng của nó. Những cấu phần này được tích hợp trong công trình mới để người dân có thể nhớ lại bóng dáng của thương xá TAX. Việc bóc dỡ thảm gạch để bảo tồn đã được thực hiện trong suốt 3 tháng.
Ở Hà Nội cũng đã có những cấu phần kiến trúc quý bị đập bỏ không còn dấu vết. “Nguồn phôi thép phong phú mà người Pháp mang đến Đông Dương đã tạo ra cảnh quan rõ nét trong bề mặt kiến trúc Hà Nội, từ hàng rào, cửa sổ, cửa đi, ô gió. Nhưng những hoa sắt - cũng là di sản đó - hiện không được quan tâm. Tôi đã từng chứng kiến những công trình xây dựng bị đập đi, mất đi, kèm theo cả những hoa sắt tuyệt đẹp”, TS Trần Hậu Yên Thế nói.
PGS-TS Khuất Tân Hưng, chuyên gia di sản kiến trúc của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng cần phải quan tâm hơn tới những phần cấu thành trong tòa nhà di sản. “Cây cột đèn có thể là hiện vật rất hiếm hoi còn lại. Bên trong ngôi nhà rất có thể có những thành phần như thế, giống như thương xá TAX có nền gạch bông. Hiện chúng ta đang chưa có quy định gì liên quan đến câu chuyện đó. Nhưng nếu nhìn nó như một đối tượng riêng xem xét, áp dụng luật di sản, chúng ta sẽ có thể áp dụng để đưa chúng về bảo tàng”, ông Hưng nói. Ở đó, chúng có thể kể câu chuyện về ký ức. Chẳng hạn, đồ án đồng tiền tại tòa nhà Pháp cho thấy đã có giao lưu giữa kiến trúc Pháp và văn hóa bản địa ra sao.
Ông Hưng cũng mong rằng việc kiểm kê di sản đô thị được làm chi tiết hơn. “Trước chúng ta đã có những cuộc kiểm kê biệt thự rồi nhưng những chi tiết thì nhiều khả năng không được kiểm kê. Cách đánh giá của mình thường không kỹ. Nó chỉ nhìn nhận những công trình mà cảm quan có vẻ có giá trị. Trong một ngôi nhà bình thường nhưng bên trong lại có thể có những điều đặc biệt thì lại bị bỏ sót”, ông nói. Chính vì thế, việc các nhà nghiên cứu và người dân, bảo tàng liên kết với nhau để tìm kiếm, bảo vệ các di sản này là vô cùng cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.