Giữ thể diện quốc gia

02/08/2016 07:21 GMT+7

Khái niệm “thể diện quốc gia” khá rộng, bao hàm rất nhiều yếu tố. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một vấn đề thời sự không lấy gì làm vui, đó là chuyện người Việt ra nước ngoài rồi trốn ở lại.

Thật ra câu chuyện người Việt đi du lịch, đi học, quảng bá thương hiệu, trình diễn nghệ thuật, xuất khẩu lao động... rồi trốn ở lại xứ người chẳng còn lạ lẫm gì. Nhưng đi xuất khẩu lao động mà trốn ở lại đến 35% như báo chí đã đăng (cứ 100 người đi thì có 35 người trốn ở lại) thì đúng là đáng báo động, đáng lo thật.
Việc cư trú bất hợp pháp nơi xứ người trong thời điểm hiện nay đa phần là vì lý do kinh tế. Hợp tác lao động ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... chẳng hạn, cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với lao động cùng công việc tại VN. Do vậy, nhiều người trốn ở lại, cố “chịu đấm ăn xôi”. Tuy nhiên, chúng ta có thể đã quên rằng, nếu quá hạn lưu trú mà trốn ở lại, bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ được cấp visa để đến nước ấy lần thứ hai.
Đó là chưa kể gánh nặng cho cả hai phía: Thứ nhất, cho chính bản thân của bạn vì phải trốn chui trốn nhủi, hồi hộp, lo âu không biết bị “chộp” lúc nào. Thứ hai, cho cả nhà cầm quyền nước sở tại vì phải cử người truy lùng những kẻ cư trú bất hợp pháp đặng trục xuất về cố hương. Những công ty ở VN chuyên xuất khẩu lao động ra nước ngoài có “thành tích” về số người trốn ở lại tất nhiên cũng lãnh hậu quả.
Các công ty lữ hành đưa du khách Việt ra nước ngoài cũng không phải ngoại lệ. Với những nước xin visa cực kỳ khó như Mỹ, Canada, Anh, Úc..., nếu những đoàn du khách được các hãng lữ hành trong nước đưa sang mà quay về đều đặn, đầy đủ số người, thì chắc chắn sẽ được “điểm cộng” từ các đại sứ quán. Ngược lại, nếu để du khách “bốc hơi” quá nhiều, công ty lữ hành ấy sẽ tự đánh mất uy tín của mình, cơ hội làm ăn vì thế cũng vuột theo. Đây rõ ràng là vấn đề chữ tín. Nếu có đại sứ quán nào đó gây khó khăn trong việc cấp visa cho công dân VN, thì chúng ta cũng không thể trách họ. Có trách chăng là trách chính thái độ của chúng ta mà thôi.
Đất nước chúng ta còn nghèo, chênh lệch thu nhập giữa đô thị và nông thôn khá cao. Đúng, điều đó khỏi cần bàn cãi. Tuy nhiên, như cha ông đã dạy: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Thấu hiểu điều ấy sẽ giúp cải thiện phần nào thể diện quốc gia đang sứt mẻ. Hãy nhìn người Nhật mà chiêm nghiệm đến đất nước mình. Sau Thế chiến 2 (1945), cả nước Nhật tan hoang, kinh tế kiệt quệ, nhưng họ đã không rời bỏ đất nước mình.
Họ đã ở lại, sau lời kêu gọi chung tay tái thiết quê hương của Nhật hoàng, con cháu của Thái dương thần nữ đã xây dựng đất nước mình từng bước vững chắc, phát triển lên đỉnh cao của thế giới - một nền kinh tế và nền tảng xã hội khiến chúng ta thèm thuồng muốn đạt bằng. Thể diện quốc gia của họ đứng vững, không bị “méo mó”, người Nhật vì thế ra nước ngoài đều được thiên hạ ngưỡng mộ.
Còn nếu cứ theo lối suy nghĩ “mặc kệ thể diện quốc gia, ta kiếm một mớ tiền cái đã” thì phải xem lại. Những hành vi đại loại như ra nước ngoài rồi trốn ở lại, trộm cắp, trồng cần sa, buôn gian bán lận... nói chung làm những điều bậy bạ, phi pháp, không đơn giản một mình bạn chịu, mà nó còn gây phương hại đến uy tín của quốc gia, của dân tộc.
Xin kể thêm một câu chuyện không vui. Số là có anh nọ đi du lịch sang châu Âu. Lúc di chuyển trên tàu điện, có người bản địa đứng sát bên hỏi anh ta từ đâu đến. Thay vì nói “Tôi là người VN”, có lẽ do quá oải cho “thân phận” của mình, anh ta trả lời: “Tôi là người Thái Lan”. Rõ ràng anh chàng nọ không tự tin lắm với quốc tịch của mình cho nên mới có câu chuyện bi hài ngoài ý muốn. Đến khi nào chúng ta mới mạnh dạn, hiên ngang, nói với thiên hạ “Tôi là người VN”?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.