Giữ từng mốc giới, đường biên - Kỳ 4: Sắt son Nho Quế

10/03/2016 07:00 GMT+7

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và trước khi chính thức chảy hẳn vào nội địa nước ta, đổ vào Sông Gâm (Cao Bằng), vẫn quặn dòng cả chục km làm ranh giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và trước khi chính thức chảy hẳn vào nội địa nước ta, đổ vào Sông Gâm (Cao Bằng), vẫn quặn dòng cả chục km làm ranh giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

Cột cờ thiêng Lũng Cú trên địa đầu Tổ quốc - Ảnh: Độc LậpCột cờ thiêng Lũng Cú trên địa đầu Tổ quốc - Ảnh: Độc Lập
Ở đoạn biên giới sông thẳng đứng hẻm vực này, còn lưu giữ bao câu chuyện về những người Mông địa đầu Tổ quốc tay không chống chọi với lính Trung Quốc giữ xóm làng, mét nước, bờ sông.
Họ đốt nhà, ta dựng lại nhà
Những người già nhất ở xóm Xéo Lủng nói: Từ hồi còn bé, họ đã nghe ông bà kể chuyện người Mông sinh sống từ bao đời trên địa đầu Lũng Cú. Đầu tháng 2.1979, khi Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam và pháo Trung Quốc từ bên kia biên giới cấp tập nã sang, yểm hộ cho lính sơn cước vượt sông Nho Quế xông vào đốt phá, bắn giết dân bản, người Mông đành bồng bế nhau lui về tuyến sau, giao ruộng vườn nhà cửa cho Bộ đội Biên phòng (BĐBP) canh giữ. Tháng 8.1991, khi tình hình biên giới tạm yên, người Mông thôn Xéo Lủng mới dắt nhau trở về xóm cũ, dựng lại nhà, xới lại đất làm nương.
Ông Ly Chứ Sùng (thứ 3 từ phải sang) kể chuyện giữ đất Xéo Lủng và sông Nho Quế với PV Thanh Niên và BĐBP, cán bộ xã Lũng Cú - Ảnh: Độc Lập
Ông Ly Chứ Sùng (57 tuổi, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) nhớ lại: “Lúc ấy cả xóm có 25 hộ dân. Cuộc sống rất vất vả vì địa hình cheo leo, nước sinh hoạt khó khăn, đi lại xa xôi nhưng không ai bỏ bản vì BĐBP dặn phải ở giữ đất” và rành mạch: “Trưa 4.3.1992, lúc ấy trời đang sắp mưa giông, bỗng nghe tiếng chó sủa rộ lên từ phía đông bắc và chỉ 20 phút sau, gần 30 lính Trung Quốc đeo lựu đạn, lăm lăm súng AK sục vào từng nhà dân bắt bà con ra sân, yêu cầu phải nhanh chóng dọn đồ đạc chuyển đi chỗ khác với lý do “đất Xéo Lủng là lãnh thổ của Trung Quốc”.
“Chúng tôi xáp lại gần để đẩy đuổi họ”, ông Sùng thuật lại - Ảnh: Độc Lập
Thôn Xéo Lủng, nhìn từ trên cao - Ảnh: Độc Lập
Gần 40 người dân Xéo Lủng từ trẻ đến già đều nhất loạt phản đối, cương quyết ôm cột nhà không cho lính Trung Quốc kéo ra và giằng co, đẩy đuổi từng tên lính trong gần 3 tiếng đồng hồ.
Lính Trung Quốc cho trẻ con kẹo, nhưng bọn trẻ cũng vứt không ăn
Ông Ly Chứ Sùng, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang
Khi thấy bộ đội Hà và Thái dẫn đầu đoàn bà con từ xã Lũng Cú đang chạy lên ứng cứu, đám lính mới tức tối nổi lửa đốt trụi 18 ngôi nhà của xóm cùng 3.520 kg lương thực và rút về bên kia biên giới… “Họ kéo xềnh xệch cả người già như bà Mỷ đã 90 tuổi ra khỏi nhà, nhưng bà Mỷ nhất định ôm bậc cửa không đi, miệng thét lớn: “Đất này của Việt Nam, chúng mày định sang ăn cướp à? Bà con đuổi chúng đi”, ông Ly Chứ Sùng cười sảng khoái: “Lính Trung Quốc cho trẻ con kẹo, nhưng bọn trẻ cũng vứt không ăn”.
Thượng tá Nông Minh Thạch, nguyên Phó Đồn trưởng BP Lũng Cú (BCH BĐBP tỉnh Hà Giang) kể lại: “Trước khi gây ra sự kiện ngày 4.3.1992, phía Trung Quốc đã cho thám báo nhiều lần xâm nhập vào xóm Xéo Lủng tuyên bố Xéo Lủng là đất của Trung Quốc, người dân phải trả cho Trung Quốc, nếu không đi sẽ bị “đại quân” trừng phạt như hồi tháng 2.1979” và lắc đầu: “Ngay trong ngày 4.3.1992, Đồn BP Lũng Cú và UBND huyện Đồng Văn đã gửi thư phản kháng sang Trạm BP Mã Lìn và chính quyền huyện Ma Ly Pho (Trung Quốc) yêu cầu họ cử đại diện tới xóm Xéo Lủng để chứng kiến và giải quyết hậu quả do phía họ gây ra. Tuy nhiên, phía Trung Quốc làm ngơ phản kháng, không đến”…
Đàn dê, bò từ sông Nho Quế về chuồng nhà trong buổi chiều - Ảnh: Độc Lập

“Hồi ấy bộ đội thiếu thốn nhưng cũng san sẻ quần áo, gạo muối cho chúng tôi, lại còn vào ở hàng tháng trời dựng lại nhà cho 18 hộ. Không có BĐBP, dân sẽ bỏ về phía sau và không có Xéo Lủng khang trang hôm nay”, ông Lý Chứ Sùng khẳng định.
Phá cầu của phường trộm cướp
Ngày 12.2.2004, Đồn BP Lũng Cú phát hiện phía Trung Quốc nổ mìn làm đường ở khu vực xóm Mê Rô (Mù Cảng, Phú Linh, Trung Quốc) xuống sát bờ sông và gác 3 cây gỗ làm 1 cầu tạm sang khu vực 98C. Từ ngày 13-15.2.2004, tổ công tác của Đồn cùng cán bộ địa phương tập trung xác minh: Tại khu vực này, Trung Quốc dựng lán cho công nhân và tập kết các loại phương tiện, vật liệu (máy nghiền đá, máy khoan, xi măng, sắt thép, thuốc nổ…) dưới lòng sông Nho Quế và dùng 3 cây gỗ ghép lại làm cầu qua sông, 1 đầu cầu bắc vào đất Việt Nam. Tại đầu cầu gỗ trên đất ta, Trung Quốc đã cho nổ mìn phá đá khoảng 30m2 với lực lượng tập trung khoảng 30 người tại đây với ý định làm cầu cứng…
Mốc 428 ngay sát bờ sông Nho Quế, nơi phía Trung Quốc định lấn chiếm để đặt thủy điện năm 2004 - Ảnh: Độc Lập

Trưởng thôn Xéo Lủng (Lũng Cú, Đồn Văn, Hà Giang) Sùng Chúng Lầu dẫn tôi xuống mốc 428, kể cặn kẽ: “Hôm ấy mình đang ở dưới sông đánh cá, thấy gần mốc 428 có khói nên chạy lại, thấy tiếng người xôn xao sau bụi cây, nghĩ ngay “lại bọn Trung Quốc sang rồi”, nên bò vào tận nơi và thấy mấy chục người đang dựng lán trại, máy móc sắt thép ngổn ngang. “Nguy to rồi! Phải về báo BP thôi!”, Trưởng thôn Sùng Chúng Lầu thốt lên và cắt rừng, ngược dốc chạy một mạch mấy tiếng đồng hồ ra Đồn BP Lũng Cú báo tin.
Địa điểm Trung Quốc bắc cầu trái phép sang đất Việt Nam để làm thủy điện trên dòng sông Nho Quế, đầu tháng 2.2004 - Ảnh: Độc Lập
Nhận được tin báo, Đồn BP Lũng Cú ngay lập tức triển khai phương án đấu tranh ngăn chặn. Thượng tá Nguyễn Hải Lý, nguyên Đồn trưởng BP Lũng Cú trầm ngâm: “Liên tục trong 3 tháng trời, bộ đội Đồn và các lực lượng phải đóng chốt tại đó đấu tranh” và khẳng định: “Việc đấu tranh đẩy đuổi, cũng phần lớn nhờ vào người dân luôn sát cánh”.
Kể lại những ngày “nằm đất, gối cây” đầu năm 2004, ông Ly Chứ Sùng (nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lũng Cú) hoạt bát: “BĐBP chưa vận động, người dân đã kéo nhau vài chục người xuống bờ sông, nói với công nhân Trung Quốc: Đây là đất Việt Nam, chúng mày bắc cầu sang đây là sai rồi. Chúng mày làm nhà cửa lại càng sai to. Khi họ nổ máy, cuốc đất, bà con nhào vào giằng quyết liệt, định bê cả máy vứt xuống sông và rủ rỉ: “Cứ mỗi sáng, bà nhà tôi lại gói cho nắm cơm, nướng con cá khô đưa cho và bảo: Xuống sông giữ đất với bộ đội. Cứ đi đi, ruộng nương ở nhà tôi làm cho. Trung Quốc nó mà dựng được nhà dưới sông là mình mất luôn nhà trên này đấy”.
Cờ Tổ quốc trên nóc ngôi nhà địa đầu - Ảnh: Độc Lập

“3 tháng trời, người dân cắt cử nhau mỗi ngày đêm đưa 20 người xuống bờ sông đấu tranh, tự mang cơm nắm, mèn mén đi ăn để đỡ khẩu phần mì tôm, lương khô của bộ đội. Những khi căng thẳng, lại gõ mõ gọi thêm dân Xéo Lủng ở ngay phía trên xuống tăng cường, thành cả trăm người cùng bộ đội đấu tranh”, Trưởng thôn Sùng Chúng Lầu say sưa kể lại rồi khoát tay: “Họ phải rút công nhân máy móc và phá cầu, chuyển công trình thủy điện vào sâu trong đất họ. Nếu ta không kiên quyết thì phần đất cạnh mốc 428 sẽ bị mất trắng và đến con cá dưới sông, dân Lũng Cú cũng chẳng có mà câu”…
Thế hệ cha và con người Mông ở Xéo Lủng, kể chuyện giữ đất với BĐBP và PV Thanh Niên - Ảnh: Độc Lập

Từ năm 1996 - 2000, các đơn vị BĐBP tỉnh Hà Giang đã giải quyết ngăn chặn kịp thời 146 vụ xâm canh (diện tích 66,58 ha), 163 vụ xâm nhập vũ trang, 6 vụ chôn biển báo, 7 vụ xây kè, tường chắn, 5 vụ di chuyển cột mốc, 4 vụ làm đường sang đất ta… Cũng trong thời gian này, các đồn BP cùng Ban chỉ đạo từ huyện tới các xã biên giới đã thực hiện tốt công tác đấu tranh chống lấn chiếm biên giới. Tiêu biểu là các đồn: Săm Pun, Bản Máy, Xín Mần… đã linh hoạt trong sử dụng lực lượng đấu tranh trên thực địa kết hợp với đấu tranh ngoại giao, buộc phía Trung Quốc phải thừa nhận những hành vi vu phạm Hiệp định tạm thời của dân ở vùng biên giới phía họ.
Ngoài ra, ta còn phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chăn thả gia súc, khai thác lâm thổ sản sang lãnh thổ của ta trên các địa bàn Xín Mần, Bản Máy, Tùng Vài, Nghĩa Thuận, Bạch Đích… Đến cuối năm 2000, tình trạng chăn thả gia súc qua đường biên giới đã giảm hẳn. (Nguồn: BĐBP tỉnh Hà Giang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.