Giữ và trùng tu ngôi miếu thiêng bên sông Hương

Đình Toàn
Đình Toàn
27/01/2020 13:38 GMT+7

Trước những lo ngại về ngôi miếu thiêng nằm gần cầu Trường Tiền bị dỡ bỏ mới đây UBND TP.Huế đã nhận được chỉ đạo giữ lại để trùng tu theo kiểu miếu Long Thuyền trước kinh thành Huế.

Theo Trung tâm Công viên Cây xanh, thuộc UBND TP.Huế, một ngôi miếu (am) thờ ở bên bờ bắc của sông Hương, đoạn gần cầu Trường Tiền sẽ được giữ lại trùng tu, chỉnh trang theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ. Ông Lê Như Chinh, Giám đốc trung tâm này cho biết thêm, ngôi miếu (am) chưa rõ xây dựng năm nào, nhưng đã tồn tại bên sông Hương từ rất lâu.
Hiện ngôi miếu chỉ còn có móng, một số bệ đá, bát nhang đặt gần một canh sanh cổ thụ trông khá nhếch nhác. Khi công trình tuyến đường đi bộ (lẫn đạp xe) ven bờ bắc sông Hương xây dựng, cũng như việc chỉnh trang cảnh quang đôi bờ sông Hương thực hiện đã lộ ra sự mất mỹ quan của ngôi miếu này. Trong khi cơ quan chức năng chưa biết xử lý ngôi miếu này ra sao và không ít người dân lo ngại việc ngôi miếu bị phá bỏ thì nhân chuyến khảo sát đôi bờ sông Hương ngày giáp tết Canh Tý, ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo UBND TP.Huế giữ lại ngôi miếu để làm nơi thờ cúng tâm linh của người dân; chỉnh trang xây dựng theo mô hình miếu Long Thuyền tọa lạc phía mặt nam trước kinh thành Huế (đã trùng tu năm 2014) để đảm bảo khang trang, hài hòa về cảnh quang chung.

Miếu Long Thuyền trước mặt nam kinh thành Huế cạnh Phú Văn Lâu sau khi trùng tu năm 2014 được dùng làm hình mẫu xây dựng ngôi miếu thờ sát tuyến đi bộ bắc sông Hương đoạn gần cầu Trường Tiền

Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Miếu Long Thuyền nằm bên phải Phu Văn Lâu, gần cửa Quảng Đức của kinh thành Huế. Theo sử liệu, đây là công trình thờ Thủy thần, vị thần linh được coi là có quyền năng chi phối những người có cuộc sống gắn liền với chốn sông nước như ngư dân, thủy quân. Một số sử liệu còn cho rằng đây là nơi thờ tự binh lính của “Vệ Long Thuyền”, có nhiệm vụ chuyên coi giữ thuyền vua, hoặc chèo thuyền cho vua. Riêng ngôi miếu (am) gần cầu Trường Tiền được giữ lại trùng tu vẫn chưa có sử liệu cụ thể, tuy nhiên có khả năng vẫn là nơi thờ Thủy thần và các vị thần linh khác theo tín ngưỡng dân gian nên có ý nghĩa với đời sống tâm linh của người dân, nhất là những cư dân gần gũi với sông nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.