Giữa dịch Covid-19, nhớ chuyện ‘trồng trái’ đậu mùa, chích ngừa lao bằng ‘súng’

10/04/2020 21:11 GMT+7

Những năm 1960 ở miền Nam , thỉnh thoảng lại có những lần có xảy ra bệnh đậu mùa, thương hàn, dịch tả, lao phổi, viêm màng não, sốt rét, bại liệt. Tuy quy mô dịch không lớn nhưng làm ai cũng lo lắng.

Thời đó, phổ biến nhất là bệnh đậu mùa, bệnh này tuy tỷ lệ tử vong rất thấp nhưng nó làm da nổi nhiều mụn mủ gây tổn thương rất sâu dưới tầng tế bào sinh sản của thượng bì, nên khi lành sẽ để lại sẹo, nhiều nhất ở mặt làm mặt bị rỗ lỗ chỗ.
Năm 1966, lúc tôi còn học tiểu học, Ty Y tế Vĩnh Long có tiến hành chủng ngừa bệnh đậu mùa cho trẻ em trong tỉnh, hồi đó gọi là "trồng trái". Các nhân viên y tế đến trường, học trò được nghỉ học, đứng xếp hàng dài theo hành lang chờ đến lượt chủng ngừa.
Lần đó không chích thuốc ngừa bằng ống chích, mà nhân viên y tế dùng một cái que kim loại có đầu chẻ hai, chấm vào cái dĩa thủy tinh chứa dung dịch vắc xin, rồi quẹt lên 2 chỗ trên bắp tay của học sinh được chủng, 2 vết quẹt cách nhau khoảng 5 cm. Thao tác này kêu là "trồng trái" hoặc "cấy thuốc".

Bệnh đậu mùa, tuy tỷ lệ tử vong rất thấp nhưng khi lành sẽ để lại sẹo, nhiều nhất ở mặt làm mặt bị rỗ lỗ chỗ

Ảnh minh họa: Shutterstock

Nhân viên y tế phải quẹt cho rách da rướm máu thì vắc xin mới thấm được vào cơ thể. Lúc đó tức cười lắm, có đứa bị quẹt thì miệng hít hà mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn ớt, đứa nào lì thì vẫn tỉnh bơ. Mấy đứa đứng cuối hàng chưa bị quẹt thì lo lắng hỏi những đứa đã trồng trái xong: "Đau hông mậy?".
Sau khi "trồng trái", nếu chỗ bị quẹt bị sưng tấy và làm mủ vàng thì coi như chủng ngừa có hiệu lực. Ai không bị sưng và làm mủ thì phải cấy lại lần 2 hoặc 3 cho đến khi thành công. Các thầy có giải thích cho học trò hiểu nguyên nhân vì sao bị làm mủ như vậy.
Lý do là hệ miễn dịch của cơ thể phát hiện có kẻ lạ đột nhập sẽ lập tức sản xuất thật nhiều kháng thể để tấn công kẻ xâm nhập ngoại lai (đang tập trung tại vết quẹt). Trận chiến sẽ làm chết nhiều virus lẫn kháng thể, làm chỗ quẹt bị sưng tấy, lở loét và làm mủ. Khi vết quẹt lành, chỗ da đó sẽ có một vết thẹo hình bầu dục, đường kính khoảng 1,5 - 2 cm. Giờ bắp tay phải của mình vẫn còn 2 cái thẹo như vậy, dù đã rất lâu vẫn không mờ.

Ngày trước, việc chủng ngừa bệnh đậu mùa cho trẻ em gọi là "trồng trái". Nhân viên y tế đến trường, học trò xếp hàng dài theo hành lang chờ đến lượt chủng ngừa

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Sau này lớn lên, tôi tìm hiểu thì mới biết loại vắc xin đó tên là Dryvax chứa các con virus Vaccinia (gây bệnh đậu mùa cho loài , có thể lây qua con người nhưng không làm chết người). Mục đích là để kích thích sự đề kháng của cơ thể. Hệ miễn dịch nhận diện virus trong vắc xin là kẻ lạ xâm nhập nên sẽ tấn công tiêu diệt chúng và "ghi nhớ" về đặc điểm của virus. Về sau, khi virus thứ thiệt xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch đã ở tư thế sẵn sàng để tiêu diệt virus nhanh chóng và hữu hiệu hơn.
Thời gian sau, có đoàn bác sĩ nước ngoài đến trường chích thuốc ngừa lao (BCG) cho học sinh. Họ không xài ống chích mà dùng súng chích (jet injector) hoạt động bằng áp lực dung dịch không cần kim, kê súng vô bắp tay bấm cò cái là áp suất cao sẽ đẩy tia thuốc xé rách da chui vào cơ thể.
Chích kiểu này không đau, chỉ nhói cái như bị kiến cắn. Nhưng vết chích cũng lở loét và khi lành để lại một cái thẹo tròn, bề mặt láng bóng, đường kính cỡ 5mm bên bắp tay trái. Nói chung là lần chủng ngừa nào cũng để lại cho "khổ chủ" vài cái thẹo làm kỷ niệm suốt đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.