Giữa làn sóng ồn ào chuyện tình cảm của ViruSs: Học yêu từ ChatGPT, nên hay không?

01/04/2025 09:00 GMT+7

Giữa làn sóng ồn ào chuyện tình cảm, ViruSs (tên thật là Đặng Tiến Hoàng) đã đăng một bài viết kèm theo ảnh chụp màn hình câu trả lời của ChatGPT về việc "hẹn hò" và "chính thức yêu". Việc sử dụng ChatGPT để hỏi về chuyện tình yêu không hiếm trong giới trẻ, tuy nhiên công cụ này có thực sự hữu ích?

ChatGPT là quân sư hiệu quả nhưng…

Nguyễn Hoàng Bách (26 tuổi), sinh sống tại đường số 17A, Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân (TP.HCM) cho biết: "Tình yêu không phải lúc nào cũng dễ dàng, đôi khi mình cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa tìm ra cách thể hiện cảm xúc đúng. Sau khi tham khảo các lời khuyên từ ChatGPT, mình nhận ra rằng chân thành mới là yếu tố quan trọng nhất, dù là một cử chỉ nhỏ hay lời khen đúng lúc cũng đủ để lấy lòng người yêu".

Trịnh Khánh Linh, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến kể trong dịp Valentine (Lễ tình nhân 14.2) vừa qua, đã tìm đến ChatGPT để xin lời khuyên về việc lựa chọn món quà phù hợp cho người yêu. Với sự trợ giúp của công nghệ trí tuệ nhân tạo, Khánh Linh đã nhận được những lời khuyên hữu ích, giúp cô dễ dàng lựa chọn một món quà ý nghĩa và đầy tình cảm. 

Giữa làn sóng ồn ào chuyện tình cảm của ViruSs: Học yêu từ ChatGPT, nên hay không?- Ảnh 1.

Đoạn trò chuyện với ChatGPT về chủ đề tình yêu được ViruSs đăng tải

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

"Sự hỗ trợ này giúp tiết kiệm thời gian và món quà rất ưng ý. Với mình thì ChatGPT là quân sư tình yêu hữu ích trong một số trường hợp”, Linh nói.

Anh Lê Văn Hoàng (hay còn gọi là Hoàng Lê), Giám đốc điều hành Công ty TNHH Truyền thông và công nghệ Staspi (Staspi AI Agent) cho biết ChatGPT và các mô hình AI hiện nay rất hữu ích nếu biết cách sử dụng. Nhưng nó không phải là chuyên gia hay từ điển sống.

“ChatGPT hay các mô hình LLMs (ngôn ngữ lớn) tương tự chỉ là những cỗ máy được đào tạo để đưa ra những dữ liệu mà chúng được đào tạo. Từ đó đưa ra kết quả và nói cho mượt chứ không đảm bảo đúng. Nếu bạn coi AI là một người trợ lý giỏi viết văn, thì không vấn đề. Nhưng nếu bạn coi nó là người phán xử cho những chủ đề như: tâm lý, đạo đức, pháp lý, y tế… thì rất có thể bạn đang đặt niềm tin vào một thứ không biết mình đang nói gì”, anh Hoàng nói.

Theo anh Hoàng, muốn kiểm chứng một nội dung AI đưa ra, bạn cần hỏi lại: “Nguồn ở đâu? Ai nói điều này?. Tìm kiếm thêm trong sách, nghiên cứu, bài viết học thuật. So sánh với các quan điểm đa chiều từ chuyên gia”.

ChatGPT không cảm nhận được cảm xúc thật sự

Nguyễn Hoàng Quân, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết công nghệ có thể mang lại những lời khuyên bổ ích trong nhiều lĩnh vực, nhưng tình yêu lại là một chủ đề mang tính cảm xúc rất sâu sắc: "AI có thể giúp mình giải quyết những câu hỏi đơn giản về mối mối hệ, nhưng chỉ mang tính chất lý thuyết. Tình yêu không phải là bài toán có thể giải quyết bằng công thức. Nó là trải nghiệm, sự hiểu biết và đôi khi là những thử thách mà chỉ con người mới có thể cảm nhận được".

“Khi bạn dựa vào một công cụ máy móc để hiểu về tình yêu, có thể sẽ bỏ lỡ những trải nghiệm thực sự. Tình yêu là một hành động của cảm xúc, không thể đơn giản hóa nó bằng một chuỗi câu lệnh và trả lời”, Quân nói.

Giữa làn sóng ồn ào chuyện tình cảm của ViruSs: Học yêu từ ChatGPT, nên hay không?- Ảnh 2.

Theo chuyên gia việc tham khảo kiến thức về tình yêu từ ChatGPT chỉ nên mang tính chất tham khảo và hãy trực tiếp trải nghiệm, học hỏi

ẢNH MINH HỌA: QUỐC VIỆT

Đỗ Trọng An (24 tuổi), 290A An Dương Vương, Q.5, TP.HCM, cho rằng ChatGPT, hay bất kỳ AI nào, đều có thể cung cấp những thông tin hữu ích về tình yêu, nhưng chỉ trong một phạm vi nhất định. "ChatGPT có thể giúp bạn nhận ra những vấn đề cơ bản trong mối quan hệ như giao tiếp, hiểu rõ hay cách giải quyết xung đột, nhưng đó chỉ là những lý thuyết chung. Nếu bạn muốn học về tình yêu, bạn phải trải qua những vấn đề thực tế", An nói.

Theo An, việc sử dụng ChatGPT có thể hữu ích trong việc khám phá một số khái niệm hoặc tham khảo cách xử lý vấn đề, nhưng không thể thay thế những kinh nghiệm sống. “Tình yêu là một sự giao tiếp liên tục, chia sẻ vui buồn cùng nhau”, An nhấn mạnh.

Hoàng Ngọc Anh (27 tuổi), làm việc tại 209 đường 30 Tháng 4, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, cho rằng tình yêu là một cảm xúc vô cùng cá nhân và không thể dựa vào một công cụ như ChatGPT để học. "AI có thể đưa ra những lời khuyên, nhưng nó không thể thay đổi cảm xúc thực sự. Khi dựa vào AI để đưa ra quyết định về tình yêu, con người đang giao tiếp một phần cảm xúc của mình cho công cụ, nhưng nó không thể hiểu được những gì bạn đang trải qua”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên kỹ năng mềm, trưởng phòng chuyên môn KDC  Education cho biết: "AI có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc học hỏi về tình yêu như tiếp cận thông tin nhanh chóng và đa dạng. AI giúp người dùng tìm hiểu về tâm lý tình yêu, giao tiếp. Giảm bớt thiên kiến cá nhân, có thể cung cấp nhiều quan điểm khác nhau thay vì bị ảnh hưởng bởi một góc nhìn chủ quan. Một số nghiên cứu, chỉ ra rằng các chatbot AI có thể giúp người dùng giảm căng thẳng và có góc nhìn khách quan hơn về tình huống của họ".

Tuy nhiên, thạc sĩ Nhân cho biết AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong tư vấn tình cảm, vì thiếu sự đồng cảm thực sự, không có cảm xúc. AI không thể nắm bắt hết các ngữ cảnh cá nhân. Tình yêu mang tính cá nhân và phức tạp, có nhiều yếu tố văn hóa, trải nghiệm sống mà AI không thể hiểu hoàn toàn. Không có trách nhiệm đạo đức như con người, chỉ cung cấp thông tin dựa trên dữ liệu có sẵn mà không thể chịu trách nhiệm về quyết định của người dùng.

"Học cách tự nhận thức về cảm xúc của mình, đừng chỉ dựa vào AI để giải thích cảm xúc, hãy thực hành tự quan sát và hiểu bản thân nhiều hơn. Ưu tiên xây dựng kỹ năng giao tiếp thực tế. Đừng coi AI là chuyên gia tuyệt đối chuẩn xác, hãy xem nó như một nguồn tham khảo, nhưng quyết định cuối cùng vẫn nên dựa trên cảm xúc, kinh nghiệm và sự tư vấn từ những người có kinh nghiệm thực tế. Tìm hiểu về các nghiên cứu tâm lý đáng tin cậy", thạc sĩ Nhân nhắn nhủ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.