Giữa tháng 4, Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Đình Huy
Đình Huy
14/04/2024 20:00 GMT+7

Mặc dù đang là thời điểm giao mùa, thường xuyên có gió đông nam mạnh cấp 2 - cấp 3 nhưng bầu trời Hà Nội vẫn mù mịt, chìm trong ô nhiễm không khí.

Không khí ở Hà Nội cả tháng không có ngày nào tốt

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam - PV), lúc 17 giờ 30 ngày 14.4, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức 150 đơn vị, mức xấu. Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Giữa tháng 4, Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí nghiêm trọng- Ảnh 1.

Hà Nội đứng thứ 2 về ô nhiễm không khí lúc 17 giờ 30 hôm nay

CHỤP MÀN HÌNH

Nơi có chất lượng không khí xấu nhất là Học viện Nông nghiệp Việt Nam (H.Gia Lâm), với chỉ số AQI 163 đơn vị.

Cùng thời điểm này, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV) xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ 2 thế giới với chỉ số AQI trung bình 155 đơn vị.

Giữa tháng 4, Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí nghiêm trọng

IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 12,6 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thực tế, từ đầu tháng 11 đến nay, thủ đô Hà Nội vẫn thường xuyên "chìm" trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi. Thậm chí, dù đang ở trong thời điểm giao mùa (có gió đông nam cấp 2 - cấp 3) nhưng không khí vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bầu trời Hà Nội, đoạn qua cầu Nhật Tân lúc 16 giờ 30 hôm nay

Bầu trời Hà Nội, đoạn qua cầu Nhật Tân lúc 16 giờ 30 hôm nay

ĐÌNH HUY

Chỉ tính riêng 1 tháng trở lại đây (từ 16.3 - 14.4), không khí tại Hà Nội không có ngày nào ở mức tốt (chỉ số AQI từ 0 - 50). Trong đó, có 2 ngày ở mức trung bình, 14 ngày ở mức kém, 14 ngày ở mức xấu.

Giao thông Hà Nội là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí

Theo Sở TN-MT Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những năm gần đây đang là một trong những vấn đề cấp bách của thành phố. Các kết quả quan trắc cho thấy, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.

Trong đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. PM2.5 trung bình năm của thành phố trong giai đoạn 2017 - 2020 đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của WHO.

Tác động của ô nhiễm không khí càng rõ rệt. Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất, chiếm từ 58% - 74%, tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp từ 14% - 23%. Nguồn nông nghiệp chiếm 3,4% - 18,9%. Nguồn dân sinh chiếm 6,2% và nguồn đốt rác chiếm 2,2%.

Giữa tháng 4, Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí nghiêm trọng- Ảnh 3.

Người dân đốt rác cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

ĐÌNH HUY

Số ca bệnh về tim mạch, hô hấp tăng nhanh qua mỗi năm. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 1.062 ca nhập viện vì bệnh tim, 2.969 ca nhập viện vì bệnh hô hấp do ô nhiễm không khí.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, cho biết, thủ đô Hà Nội đang là 1 trong 17 đô thị lớn nhất thế giới nên đang đối mặt với những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Việc đô thị phát triển chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường và hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân đang là thách thức đối với sự phát triển đô thị văn minh hiện nay.

Theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy, và hơn 600.000 ô tô. Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu kw điện và hàng triệu lít xăng dầu, chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên... Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.

Theo bà Chi, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Kế hoạch đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được gồm: tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí nhằm hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, dự báo về chất lượng không khí.

Kiểm soát các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành nhằm thực hiện những sáng kiến cải thiện chất lượng không khí trên diện rộng; huy động và đảm bảo các nguồn lực để thực thi hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí ngắn, trung và dài hạn.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.