BN cho biết khoảng 2 - 3 ngày trước nhập viện, BN phát hiện các khối sưng tấy đau ở chân, sau đó xuất hiện thêm tại cánh tay. BN có thói quen ăn cua và cá sống.
Bác sĩ Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại - Sản, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết BN nhập viện hôm 12.5 do các ổ áp xe ở chân. Quá trình điều trị, các bác sĩ mở ổ áp xe, soi dưới thiết bị thì phát hiện các ổ này có ấu trùng giun. Sau 1 - 2 ngày nhập viện, BN tiếp tục xuất hiện ổ áp xe mới, bên trong ổ có 1 - 2 giun trưởng thành.
Lần đầu tiên phẫu thuật mở ổ áp xe, bác sĩ gắp ra một con giun dài khoảng 50 - 60 cm. Trong ngày 5.6, các bác sĩ gắp được hai con giun dài khoảng 30 cm ở bắp tay BN (ảnh). Đến nay, đã có 5 con giun trưởng thành được gắp ra từ các ổ áp xe trên cơ thể BN. “Với các ổ áp xe này, chỉ có thể điều trị bằng cách mở gắp giun ra và làm vệ sinh “ổ giun”. Nếu không được gắp ra, giun có thể phát triển dài đến 1 m”, bác sĩ Trần Thượng Việt cho biết.
Theo bác sĩ Việt, giun được gắp ra từ cơ thể BN sau khi xét nghiệm đã được định danh là giun Dracunculus medinensis. Các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã thông tin đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư để thông báo về các địa phương có hướng dẫn khuyến cáo người dân phòng bệnh.
“Giun này lây qua đường nước khi ăn uống. Trong nước có một loại bọ ăn trứng giun Dracunculus medinensis. Khi bọ này vào cơ thể người sẽ chết và giải phóng các trứng giun. Trứng giun phát triển thành giun trưởng thành trong ruột của người. Riêng giun cái tiếp tục chui vào khoang ổ bụng, đi khắp nơi đẻ trứng tại các vùng cơ, vùng da của người”, bác sĩ Việt cho biết.
Cũng theo bác sĩ Việt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) những năm trước từng khuyến cáo về giun này. Giun Dracunculus medinensis vốn chỉ gặp ở châu Phi và một số nước khác, chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Để phòng nhiễm giun, người dân cần ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn tái sống, đảm bảo vệ sinh nguồn nước sinh hoạt.
Bình luận (0)