Như Thanh Niên đề cập, những ngày cuối năm 2024, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trở lại và nhiều lần đạt mức cảnh báo cao nhất - nguy hại. Trong khi đó, TP.HCM vẫn là một điểm nóng về ô nhiễm không khí.
Theo hệ thống giám sát trực tuyến IQAIR, khoảng 8 giờ 30 ngày 26.12.2024, chất lượng không khí ở Hà Nội rất xấu (AQI từ 201 - 300). Với chỉ số AQI là 234, Hà Nội bị xếp hạng ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới chỉ sau Delhi (Ấn Độ) và Baghdad (Iraq).
Không riêng Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí ở mức độ nghiêm trọng cũng ghi nhận được ở nhiều địa phương khu vực đồng bằng Bắc bộ, như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam…
Trong khi đó, tại khu vực phía nam, TP.HCM vẫn là điểm nóng về ô nhiễm không khí. Người dân thường xuyên nhìn thấy bầu không khí màu trắng đục vào buổi sáng và chiều tối. Mức độ ô nhiễm ở nhiều nơi thường duy trì mức màu vàng (AQI từ 51 - 100, trung bình) hoặc cam (từ 101 - 150, kém).
KHÔNG RÕ AI CHỊU TRÁCH NHIỆM
Câu chuyện ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn trở thành "câu chuyện cửa miệng" với nhiều gia đình bạn đọc (BĐ). Thế nhưng, như BĐ Minh Nghĩa nêu: "Các lý do, nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được đề cập rất nhiều, tuy nhiên các giải pháp cụ thể, chi tiết thì vẫn chưa đáp ứng sự cấp thiết của vấn đề".
BĐ Trường Lưu nhận xét: "Ai cũng chỉ ra được ô nhiễm không khí là do bụi mịn. Bụi mịn ở đâu thì truy nguồn phát thải. Nguồn phát thải phổ biến cũng chỉ ra được luôn: khói từ hệ thống phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng, làm đường, sản xuất, thậm chí từ các hoạt động sinh hoạt như đốt rác... Nhưng người này nhìn người kia rồi không rõ ai chịu trách nhiệm chính trong khâu xử lý".
BĐ Hoàn băn khoăn: "Nếu chỉ dừng ở việc tìm ra nguyên nhân, tìm nơi đổ lỗi, thì mãi vẫn ô nhiễm không khí mỗi khi hanh về, cùng cảnh tượng xây dựng, làm đường, đào đường tràn lan khắp nội đô, nhất là dịp cuối năm".
CẦN GIẢI PHÁP DÀI HƠI, QUYẾT LIỆT
Phát biểu trên Thanh Niên, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), lo ngại: "Thời tiết chỉ là yếu tố cơ hội, nguyên nhân chính là những nguồn phát thải bụi mịn chưa được giải quyết rốt ráo, quyết liệt, nên vấn đề ô nhiễm vẫn sẽ lặp đi lặp lại từ tháng này qua năm nọ".
Nhiều BĐ cho rằng giải pháp hữu hiệu, bền vững mà nhiều đô thị lớn trên thế giới theo đuổi là "xanh hóa đô thị": trồng thêm cây xanh, tạo nhiều công viên, phát triển mạnh xe điện, tàu điện công cộng; các dự án xây dựng mới cần gia tăng diện tích cây xanh bắt buộc, phạt nặng các hành vi gây ô nhiễm…
BĐ Thủy phân tích: "Muốn giúp đô thị thở bằng lá phổi xanh, phải có loạt giải pháp dài hơi, từ việc đầu tư hệ thống giao thông công cộng dùng năng lượng xanh, đến việc dùng công cụ quản lý, hành chính để khoanh và mở rộng các vùng phát thải thấp, thậm chí ở mức zero".
Để tăng cường tính khả thi của các giải pháp, BĐ Đức Khả Đỗ đề xuất áp dụng các quy định, chế tài mạnh mẽ như đã từng áp dụng trong việc buộc đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, phạt nặng lỗi vi phạm giao thông... "Chỉ có làm kiên quyết thì mới cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường hiện nay tại Hà Nội, TP.HCM cũng như các thành phố khác", BĐ Đức Khả Đỗ khẳng định.
Chỉ cần xử phạt các hành vi đốt rác tự phát sẽ đỡ ô nhiễm ngay. Xe cũ vẫn lưu hành thì xem lại đăng kiểm thế nào.
Rachel
Các nhà máy còn dùng công nghệ lỗi thời có thể là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí với công suất lớn gấp nhiều lần ô tô, xe máy.
Phùng Đỗ
Giãn dân, kết hợp giảm khối lượng xây dựng, chắc chắn sẽ giảm khí độc hại.
Lệ Nguyễn Hữu
Bình luận (0)