Giúp đỡ thực chất cho người lang thang, xin ăn

Kim Lan
Kim Lan
09/10/2023 06:10 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên mong chờ các cấp chính quyền cơ sở tại TP.HCM dành thêm sự quan tâm đến công tác giúp đỡ người lang thang cơ nhỡ, xin ăn…

Như Thanh Niên đưa tin, ngày 6.10, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang, xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn. Theo số liệu đưa ra tại hội nghị, từ ngày 16.3 đến nay, TP.HCM đã tập trung 894 người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Giúp đỡ thực chất cho người lang thang, xin ăn - Ảnh 1.

Người xin ăn ở Q.1, TP.HCM

Nhật Thịnh

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh nhận định trong thời gian qua, người dân, các cơ quan báo chí đã chủ động thông tin, phản ánh trường hợp người xin ăn trên đường phố và các vụ việc có dấu hiệu chăn dắt người xin ăn. Cạnh đó, công tác phối hợp giữa ngành LĐ-TB-XH, ngành y tế, công an và các địa phương trong tiếp nhận người lang thang xin ăn trước khi bàn giao vào các cơ sở trợ giúp xã hội đã kịp thời, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, công tác tập trung người lang thang xin ăn còn một số khó khăn, điển hình là sau khi hội nhập cộng đồng, nhiều người vẫn tiếp tục đi lang thang, xin ăn; công tác tuyên truyền để người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn chưa đạt hiệu quả; chưa kể vẫn xuất hiện tình trạng người lang thang, xin ăn tại một số khu vực như bến xe, chợ truyền thống..., đặc biệt vào các dịp lễ, tết.

Câu chuyện xã hội nhạy cảm

Nhận xét về con số 894 người lang thang, xin ăn được đưa về các cơ sở xã hội trong gần 7 tháng qua, tăng gần 30% so với cùng kỳ, bạn đọc (BĐ) Alan Trương cho rằng "vẫn còn thấp so với thực tế". Chia sẻ nhận xét này, BĐ Robin lưu ý: "Thời gian gần đây, tôi đi đường vẫn thường thấy ở các ngã tư lúc nào cũng có nhiều trẻ em ngồi chờ xin tiền, khi các xe dừng đèn đỏ. Chưa thấy cơ quan quản lý nào đến xử lý".

Theo BĐ Minh Nghĩa, câu chuyện về những người yếu thế luôn là "câu chuyện xã hội nhạy cảm". BĐ Minh Nghĩa phân tích: "Dẫu biết đây là câu chuyện dân sinh đáng quan tâm, lại nhạy cảm, ai cũng thấy cũng biết, nhưng để xử lý như thế nào, để thực sự giúp đỡ được họ như thế nào, là vấn đề không hề dễ dàng". Cùng suy nghĩ này, BĐ Phuoc An Le nêu nhận xét: "Cấp phường xã tiếp nhận, hỗ trợ đưa họ về các cơ sở xã hội, xong lại có người thân tới bảo lãnh, lại cho về, lại đi xin ăn...".

Vòng lặp này trong thực tế khiến công tác đưa người lang thang cơ nhỡ, trẻ em, người già xin ăn vào các cơ sở xã hội "như chạy đuổi theo cái bóng". BĐ Sung Sam đề nghị: "Tập trung triển khai, tổ chức đưa, đón người lang thang tỉnh nào về tỉnh đó quản lý vì các địa phương sẽ có điều kiện nắm rõ từng hoàn cảnh, từ đó giúp đỡ họ một cách thực chất". BĐ Thiện Nguyễn Công đồng thời lo lắng: "Nói thật, nếu TP.HCM cố gắng nhưng các địa phương khác không làm thì cũng như không thôi".

Cần sâu sát từ mỗi khu phố

Đa số BĐ cho rằng trước khi có một sự phối hợp đồng bộ, đồng loạt từ nhiều địa phương, thì trước mắt các cấp chính quyền cơ sở tại TP.HCM cần dành thêm sự quan tâm đến công tác giúp đỡ người lang thang, xin ăn… chứ không thể "giao hết cho ngành LĐ-TB-XH".

Phát biểu tại hội nghị sơ kết, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, tỏ ra lo lắng khi hội nghị lại thiếu sự tham dự của lãnh đạo UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Ông Cao Thanh Bình đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta mất rất nhiều thời gian để đưa người yếu thế vào các cơ sở xã hội rồi sau đó, chỉ trong một thời gian rất ngắn, có trường hợp qua địa bàn khác hoạt động?".

Chia sẻ với nỗi lo lắng này, BĐ Thanh Nguyên nêu: "Cần sâu sát từ mỗi khu phố. Cần chính quyền cơ sở quan tâm thực sự. Chúng ta đã thấy rồi, đại dịch Covid-19, nếu không có tấm lòng hảo tâm, từ thiện giúp đỡ miếng cơm, tô cháo từ người dân, từ từng khu phố, những người khó khăn, lang thang xin ăn, cơ nhỡ biết đi đâu về đâu?".

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

- Không chỉ riêng TP.HCM mà các tỉnh thành khác cũng nên đồng loạt ra quân cùng thời điểm nhằm giúp đỡ những người vô gia cư, lang thang, xin ăn (Vinh Le Van)

- Tội nghiệp nhất vẫn là trẻ em xin ăn. Hy vọng các cơ quan chức năng giúp đỡ để các em được sống trong một môi trường an toàn (nghia.physics)

- Chỉ mong các cơ quan tạo điều kiện tốt để những người lang thang có nơi chốn sinh hoạt, trẻ em được đi học. Chứ nhìn thấy những người lang thang và trẻ em ngồi ở các ngã tư đường thấy xót quá (Tuấn An)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.