Vậy khi lứa HS chuyển từ học chương trình cũ lớp 9 cuối cùng của năm học 2023 - 2024 này sang học chương trình mới của lớp 10, năm học 2024 - 2025 có khó khăn gì không? Đây là vấn đề phụ huynh, HS rất quan tâm khi con vào học lớp 10 sắp đến.
Trước hết, để trúng tuyển vào lớp 10 như nguyện vọng, HS cần sự chuẩn bị dài hạn. Tiếp nhận và tích lũy kiến thức, kỹ năng cho kỳ thi rất quan trọng. Thông thường, 3 môn được nhiều địa phương lựa chọn là toán, ngữ văn và ngoại ngữ; vì thế HS đã có tâm thế chuẩn bị 3 môn học này ngay từ khi bước chân vào môi trường THCS.
Ngoài ra, sự chuẩn bị không chỉ đơn thuần là kiến thức mà còn là những yếu tố khác chẳng hạn như sức khỏe. Tập trung quá nhiều cho việc học chưa hẳn là điều hay, mà quan trọng hơn là phải sắp xếp một cách khoa học giữa việc học tập và thư giãn. Khi cần, có thể chia nhỏ, cân nhắc mức độ ưu tiên của những hoạt động để không ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sức khỏe. Có thể hình dung việc chuẩn bị bước vào cấp THPT như một cuộc chạy marathon, luôn xoay chuyển không ngừng và không dừng lại giữa chừng để từ đó thiết lập một hoạch định cho hợp lý.
Theo chương trình GDPT mới, các trường THPT khi thiết kế và xây dựng các tổ hợp môn căn cứ theo định hướng phân luồng và bám sát tình hình thực tế theo nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất của đơn vị. Mỗi HS sau khi tốt nghiệp THCS luôn có định hướng cho mình thông qua năng lực cá nhân, tư vấn hướng nghiệp của các thầy cô giáo và phụ huynh. Vì thế, các em phải xác định được mục đích của mình khi đăng ký tổ hợp môn ngay từ năm học lớp 10 để tránh phải thay đổi nguyện vọng ở những năm học sau.
Chương trình GDPT 2006 nặng về truyền thụ kiến thức một chiều. Ngược lại, chương trình GDPT 2018 dạy học phát huy phẩm chất, năng lực của HS. Sự khác biệt giữa mục tiêu yêu cầu của hai chương trình cũ và mới sẽ không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ cho lứa HS vào học lớp 10 năm học 2024 - 2025.
Do đó, trước hết, thầy cô hướng dẫn các em cách chọn tổ hợp môn một cách phù hợp với năng lực, sở thích, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài 4 môn học bắt buộc ở cấp THPT: toán, ngữ văn, tiếng Anh, lịch sử, thầy cô cần hướng dẫn cụ thể việc chọn các môn học khác còn lại trong chương trình giáo dục quy định. Khi chọn đúng tổ hợp môn, các em sẽ có động cơ mục đích học tập rõ ràng. Ngược lại, việc lựa chọn sai tổ hợp môn có thể mất đi cơ hội định hướng cho nghề nghiệp mai sau và việc học tập sẽ khó khăn, kết quả cũng sẽ không như mong muốn.
Thầy cô bộ môn cũng nên dành thời gian chuyển tiếp để HS làm quen với phương pháp học chương trình mới, hỗ trợ tích cực khuyến khích, động viên HS tìm hiểu kiến thức qua nhiều kênh, chủ động tích lũy, sáng tạo trong việc tìm kiếm xử lý thông tin đáp ứng yêu cầu mục tiêu bài học.
Bình luận (0)