Giúp nông dân làm ăn lớn

25/07/2015 07:39 GMT+7

Nhiều nông dân ở huyện Cái Bè và Cai Lậy (Tiền Giang) không còn lo chuyện trúng mùa rớt giá, vì lúa được doanh nghiệp bao tiêu với mức lời từ 40% trở lên.

Nhiều nông dân ở huyện Cái Bè và Cai Lậy (Tiền Giang) không còn lo chuyện trúng mùa rớt giá, vì lúa được doanh nghiệp bao tiêu với mức lời từ 40% trở lên.

 Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn do Công ty TNHH Việt Hưng đầu tư  Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn do Công ty TNHH Việt Hưng đầu tư - Ảnh: Phương Hà
Hết lo trúng mùa, rớt giá
Hơn 2 năm qua, Công ty TNHH Việt Hưng (khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, H.Cái Bè) là doanh nghiệp tư nhân duy nhất của Tiền Giang hưởng ứng tích cực chương trình cánh đồng mẫu lớn của Chính phủ. Nhờ có công ty, nhiều nông dân tại Cái Bè, Cai Lậy không còn lo cảnh trúng mùa, rớt giá. Ông Nguyễn Huy Vũ, ở ấp Mỹ Hiệp (xã Mỹ Trung, H.Cái Bè), cho biết trước đây nông dân trồng lúa thu nhập bấp bênh, giá lúa cứ tăng giảm thất thường nên phải bán lúa rồi mới biết lời hay lỗ. “Năm 2013, khi được vận động vào tổ hợp tác, thật sự chúng tôi cũng chưa yên tâm lắm vì “dấu ấn” của tập đoàn, hợp tác xã ngày trước. Nhưng khi bắt đầu làm rồi ai cũng thích vì nông dân được lợi nhiều thứ. Giống lúa được công ty cho mượn tiền mua, chi phí bơm nước, phân, thuốc và giá công cắt lúa cũng rẻ hơn. Đặc biệt là mỗi khi thu hoạch, công ty đưa phương tiện đến tận ruộng mua lúa tươi nên khỏi phải qua công đoạn phơi sấy hao hụt”, ông Vũ chia sẻ.
Điều mà nông dân yên tâm nhất là ngay từ đầu vụ, Công ty TNHH Việt Hưng ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá bảo đảm cho nông dân có lời từ 40%. Hợp đồng là vậy nhưng trước khi thu hoạch, 2 bên sẽ thỏa thuận lại căn cứ theo giá thị trường. Nếu giá thị trường cao hơn giá bảo hiểm thì công ty mua theo giá thị trường. Ngược lại, nếu giá thị trường xuống thấp thì công ty sẽ mua theo giá bảo hiểm. Đằng nào thì nông dân cũng được lợi, điều quan trọng là người trồng lúa được bảo đảm luôn có lời, thu nhập ổn định và không phải phập phồng mỗi khi tới vụ thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Tư, tổ trưởng tổ hợp tác, cho biết vụ hè thu này, xã Mỹ Trung có 240 ha lúa tham gia cánh đồng mẫu lớn, sản xuất cùng một loại giống chất lượng cao OM 4900. Riêng ấp Mỹ Hiệp có 165 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 160 ha. Theo ông Tư, tham gia tổ hợp tác không chỉ nông dân có lợi mà cả ấp cùng hưởng lợi. Vì mỗi vụ lúa, chủ máy gặt để lại cho ấp 100.000 đồng/ha làm quỹ sửa chữa cầu đường. Vụ hè thu năm ngoái, có 30 ha lúa nông dân hủy hợp đồng với công ty để bán cho thương lái với giá cao hơn 1.000 đồng/giạ. Phía công ty đồng ý và chỉ thu lại tiền lúa giống khi nông dân thu hoạch xong. Nhưng rồi những hộ này sau đó bị “hố” nặng vì thương lái bẻ kèo, hạ giá mua thấp hơn giá thỏa thuận ban đầu 10.000 đồng/giạ.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết đến thời điểm này, công ty triển khai được hơn 500 ha lúa chất lượng cao tại các xã Hậu Mỹ Bắc B, Mỹ Trung, Mỹ Lợi (H.Cái Bè) và Phú Nhuận, Phú Cường (H.Cai Lậy). Trung bình mỗi vụ công ty đầu tư gần 1 tỉ đồng hỗ trợ nông dân mua giống lúa không tính lãi. Theo phương án phát triển, mỗi năm diện tích lúa sản xuất theo hợp đồng sẽ tăng lên 350 ha, đến năm 2020 công ty dự kiến sẽ nâng tổng diện tích lúa tham gia cánh đồng mẫu lớn lên hơn 2.000 ha.
Giúp nông dân là giúp mình
Năm 1992, với số vốn ban đầu khoảng 600 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, khởi nghiệp gầy dựng cơ sở kinh doanh lương thực mang thương hiệu Việt Hưng. Những năm đầu, cơ sở xay xát của ông cung ứng cho thị trường nội địa từ 10.000 - 20.000 tấn gạo mỗi năm. Kinh doanh hiệu quả, ông mở rộng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền công nghệ mới để mở rộng quy mô sản xuất và tham gia xuất khẩu giúp hạt gạo của Việt Hưng vươn ra thị trường thế giới. Ngoài sản phẩm chính là gạo, nếp, công ty còn tận dụng phụ phẩm xay xát để sản xuất củi trấu và trấu viên xuất khẩu. Năm 2014, giá trị xuất khẩu của Việt Hưng đạt trên 51 triệu USD.
Từ năm 2013, khi có chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ông Đôn đã mạnh dạn đi tiên phong. “Muốn cơ giới hóa nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận thì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không phù hợp. Giúp nông dân cũng là giúp chính mình. Bởi vì khi sản xuất cùng một loại giống, một quy trình, chất lượng được kiểm soát, nguồn nguyên liệu ổn định thì hạt gạo xuất khẩu đảm bảo sẽ tốt hơn. Nghĩ vậy nên doanh nghiệp chúng tôi đã quyết định đồng hành và sát cánh cùng với nông dân”, ông Đôn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.