Tiền chỉ để tiêu vặt
Lý giải mục đích cho tiền con vào mỗi sáng trước khi đi học, theo đa số phụ huynh đơn giản chỉ để trẻ uống nước hay ăn bánh khi đói. Phụ huynh Nguyễn Thị Thơm, ngụ tại chung cư Viễn Đông, Q.5, TP.HCM, cho biết: “Hằng ngày, sau khi ăn sáng, tôi luôn cho cháu 10.000 đồng và chỉ dặn nếu đói con mua bánh hay sữa. Tối về, cũng chỉ hỏi qua loa con có mua đồ ăn hay không rồi hôm sau lại cho tiếp. Thật tình, số tiền không quá lớn nên tôi chưa quan tâm”.
|
Tương tự, với suy nghĩ “số tiền không đáng kể” nên chị Nguyễn Minh Ngọc, ngụ ở đường Tân Lập, Q.9, TP.HCM, luôn dặn con: “Để ăn bánh chứ không mua đồ chơi linh tinh”.
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, khẳng định: “Cho con tiền tiêu vặt là cần thiết. Ngay từ lớp 1, mỗi tuần tôi cho con 2.000 đồng. Nay cháu lớp 4, ngoài tiền ăn tối trước khi học võ, tôi còn cho cháu 3.000 đồng để liên hoan với bạn vào mỗi chiều thứ sáu”. Nhưng theo bà Thúy thì chỉ cho mức độ tối thiểu để đáp ứng nhu cầu của trẻ khi đói, khi hư đồ dùng học tập bất ngờ hay vui vẻ với bạn bè. Nếu cho nhiều quá sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, dễ bị bạn xấu ăn hiếp, mê trò chơi điện tử… Ngược lại, những cha mẹ không cho con tiền tiêu vặt cũng không tốt bởi khiến trẻ mất cơ hội làm quen với tiền, không biết sách sử dụng đồng tiền”.
4 chiếc bình màu nhiệm
Để trẻ sử dụng tiền tiêu vặt hiệu quả, cha mẹ hãy dạy cho trẻ cách tiêu tiền và cách tiết kiệm tiền. Chẳng hạn, thạc sĩ Thúy chia sẻ: “Mỗi khi cho con tiền, cha mẹ hướng dẫn con khi nào thì nên dùng tiền. Nếu thích ăn vặt với bạn bè thì một tuần chỉ nên thực hiện một lần và góp tiền ăn chung với nhau. Bên cạnh đó cần khuyến cáo để trẻ biết ăn vặt nhiều không tốt cho sức khỏe; đồng thời gợi ý nếu tiêu không hết tiền thì nên tiết kiệm sử dụng vào mục đích mua sắm đồ dùng học tập, giúp bạn khó khăn… Bố mẹ nên tạo điều kiện cho con kiếm tiền bằng cách thu thập ve chai, làm những việc vừa sức để kiếm tiền…”.
Ở góc độ khác, ông Trần Đình Dũng, Trung tâm đào tạo và phát triển nhân lực Khuê Văn, khuyên: “Thay vì dạy con cách tiêu tiền thì dạy cho các cháu cách làm ra tiền. Từ đó, trẻ tự ý thức, kiểm soát cách tiêu tiền và trân quý việc làm của mình”. Chẳng hạn dạy trẻ kiếm tiền ngay trong nhà bằng chính sức lao động của mình như lau nhà, rửa chén… “Lúc này cha mẹ phải thật tỉnh táo, đừng bao giờ bỏ tiền ra “thuê” con học hay khi cần sự lễ phép”, ông Dũng nói thêm.
Trong hội thảo Giáo dục con trẻ về tài chính do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 5, diễn giả Neale S.Godfrey, tác giả cuốn sách Tiền không mọc trên cây, nhận định rằng: “Dạy trẻ kỹ năng sử dụng tiền không đơn thuần là dạy tiết kiệm, mà còn giúp trẻ hiểu được giá trị đồng tiền để biết quý trọng, biết cách sử dụng tiền một cách khôn ngoan, chia sẻ khó khăn với người làm ra tiền và học được cả tính chia sẻ với người xung quanh”. Ở độ tuổi lên ba, trẻ đã biết dùng tiền và đây cũng là thời điểm trẻ có khả năng tiếp thu cao nhất nên bắt đầu từ những việc đơn giản như trả công khi trẻ giúp đỡ việc dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế… để giúp chúng thấy mình có được tiền từ sức lao động của bản thân. Tuy nhiên, những công việc tự phục vụ như đánh răng, tắm giặt, học hành… thì phải nói “không” bởi đó là công việc bắt buộc bản thân trẻ phải làm.
Khi trẻ có tiền từ tiền tiêu vặt phụ huynh cho hằng ngày, hoặc từ các phần thưởng, công việc làm thêm… theo bà Neale S.Godfrey phụ huynh cũng có thể dạy trẻ theo nguyên tắc S.O.S. Trong đó S (saving) là tiết kiệm, tức hướng dẫn trẻ trích một phần tiền tiêu vặt để dành cho mục đích tiết kiệm ngắn lẫn dài hạn; O (offering) là ủng hộ, biếu tặng nghĩa là khuyên trẻ nên dành một phần tiền để quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn; S (spending) hỗ trợ trẻ lập ra kế hoạch cho các khoản chi tiêu và chi tiêu trong sự kiểm soát của cha mẹ.
Từ đó, bà Neale S.Godfrey hướng dẫn cha mẹ dạy trẻ chi tiêu theo mô hình 4 chiếc bình: bình thứ 1 bỏ 10% khoản tiền - dành cho hoạt động từ thiện; bình thứ 2 bỏ 30% khoản tiền - dành mua bánh trái, đồ chơi, ăn sáng; 30% tiếp theo ở bình thứ 3 - dùng mua đồ dùng đã lên kế hoạch; số tiền còn lại ở bình thứ 4 dùng để tiết kiệm lâu dài phục vụ việc học ĐH hay kế hoạch tương lai.
Bích Thanh
>> Dịch vụ dọn nhà
>> Dọn nhà, sắp bếp đón Tết
>> Trao tiền cho em bé bị bệnh
Bình luận (0)