Trong hành trình về đích đó có sự góp sức rất lớn của đội hình sinh viên tình nguyện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Liên tiếp 3 năm nay, cứ mỗi mùa hè đến là những đôi chân tình nguyện lại vượt hàng trăm cây số từ TP.HCM mang những công trình ý nghĩa và sức trẻ về với địa phương.
Các tuyến đường, ngõ ngách, thôn xóm đều được sáng điện
Vừa đặt chân đến xã Xuân Quang 1, ngay tại trụ sở UBND xã, dưới bảng hiệu màu đỏ nổi bật "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Quang 1 quyết tâm thực hiện hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới" là băng rôn với nội dung "Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tại địa bàn xã Xuân Quang 1, H.Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên".
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Ngô Văn Hoài, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, cho biết không thể kể hết được những công trình, phần việc mà đội hình sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã làm được cho địa phương.
Ông Hoài nhấn mạnh: "Đây là năm thứ 3 liên tiếp các bạn về và đã hỗ trợ rất nhiều cho địa phương. Mang đến nhiều công trình ý nghĩa, còn hỗ trợ về nguồn lực, nhân lực; góp phần cải thiện đời sống và thay đổi diện mạo của một xã miền núi. Giờ đây các tuyến đường, ngõ ngách, thôn xóm đều đã sáng điện hết rồi…".
Phó chủ tịch UBND xã khoe với chúng tôi: "Trong quá trình về đích nông thôn mới, chúng tôi có xây dựng 19 tiêu chí về điện, đường, trường, trạm… thì trong đó đội hình sinh viên tình nguyện đã hỗ trợ rất nhiều để địa phương đạt được 19 tiêu chí này. Dự kiến cuối năm nay địa phương phấn đấu về đích nông thôn mới".
Phạm Ngọc Quý, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Chỉ huy trưởng Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của trường tại xã Xuân Quang 1, kể 3 năm trước khi về với nơi đây, điều kiện còn rất khó khăn, các tuyến đường đa phần không có điện chiếu sáng. Nên đội hình Mùa hè xanh của trường trong những năm về đây tập trung nhiều vào việc thực hiện công trình đèn năng lượng mặt trời tại các tuyến đường.
Những ngày tháng 7, thời tiết ở xã miền núi Xuân Quang 1 cứ sáng nắng, chiều lại đổ mưa bất chợt. Chính vì thế, việc thi công các công trình của đội hình sinh viên tình nguyện cũng đối mặt với nhiều khó khăn.
Mỗi sáng, người vác cuốc, người cầm xẻng và ra công trình từ sớm để tranh thủ làm được lâu hơn vì sợ chiều trời lại đổ mưa. Và cũng vì sợ cơn mưa buổi chiều sẽ không làm được, nên nhiều hôm, giữa trưa nắng họ vẫn còn hì hục người đào, người xén và rồi lại gồng mình với những phần mép đường chỉ toàn là đá để cố gắng đào được các trụ lắp đèn năng lượng mặt trời.
Thấy đội hình sinh viên tình nguyện vừa đi ngang qua tuyến đường điện năng lượng mặt trời ở thôn Kỳ Lộ, bà Huỳnh Thị Quỳ (67 tuổi) đã nói vọng từ trong nhà ra: "Cảm ơn các cháu sinh viên nha. Về đây giúp cho bà con, chúng tôi rất vui".
Bà Quỳ rất vui mừng và hạnh phúc vì bà cho biết trước khi được sinh viên tình nguyện lắp đèn năng lượng mặt trời thì ở đây tối lắm, ban đêm không ai dám ra đường.
"Người lớn còn không dám đi huống gì trẻ con. Tối thui tối hù à. Bữa nay nhờ có thanh niên về đây ủng hộ dân có đường điện sáng trưng. Tụi con nít ở đây mừng lắm, cứ chiều tối là đạp xe đạp đi chơi, chứ bình thường không dám đi vì sợ rắn rít các kiểu. Nói chung giờ sáng nên đi đêm cũng an toàn, mà còn không tốn điện nữa, nên rất mừng", bà Quỳ bộc bạch.
3 năm đều góp sức ở địa bàn xã Xuân Quang 1, Quý hạnh phúc nói: "Tâm đắc nhất là được quay lại đây liên tiếp 3 năm và thấy những công trình tụi mình đã làm thật sự mang lại ý nghĩa cho người dân rất nhiều. Đi lại các công trình, người dân ai cũng nhớ mặt tụi mình và đều nói lời cảm ơn. Người dân vui mừng và mình cũng rất hạnh phúc".
Lên vùng cao nấu ăn cho em
Ngoài thực hiện các công trình, tranh thủ sáng sớm, đội hình sinh viên tình nguyện tổ chức nấu bữa ăn sáng cho trẻ em ở các bản làng tại xã Xuân Quang 1.
Mỗi ngày đi làm công trình về người mệt lả, tay chân rã rời nhưng tối đến họ vẫn không nghỉ ngơi mà chia ra mỗi người một việc cùng sơ chế, chuẩn bị các nguyên liệu để kịp sáng sớm mai nấu bữa ăn sáng cho trẻ em vùng cao.
Ngồi cùng các bạn sơ chế nguyên liệu, Võ Thị Tâm Đan, Chỉ huy trưởng Mùa hè xanh 2024 Khoa Cơ khí chế tạo máy, cho biết vì đặc trưng của vùng cao nên quá trình từ công tác chuẩn bị hay đi chợ xa hơn 25 km để chọn ra những loại nguyên liệu tươi ngon nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh cho bữa ăn cũng diễn ra hết sức khó khăn. Các bạn phải đi chợ trước một hôm và đi từ rất sớm để mua nguyên liệu chính và những loại rau củ sạch, tươi.
4 giờ, tiếng chuông báo thức reo và thế là họ lại tức tốc dậy mang các nguyên liệu đã sơ chế, nồi niêu, xoong chảo cùng lên bản để nấu bữa ăn sáng.
Khi chúng tôi đến nơi diễn ra buổi phát bữa ăn chưa được bao lâu thì nhiều em nhỏ đã mang theo tô, chén đến để ngồi đợi từ tờ mờ sáng. "Hình ảnh các em biết hôm nay được phát bữa ăn sáng và cầm tô đến từ rất sớm khiến tụi mình rất xúc động. Mỗi ngày khi hỏi các em đã ăn sáng chưa thì đa phần đều lắc đầu. Bữa ăn sáng dường như quá xa xỉ với các em, hoặc nếu có thì cũng không đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên những bữa ăn sáng nấu cho các em, tụi mình sẽ chọn những món mà có thể nấu được nhiều loại thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng. Chẳng hạn như súp sẽ có thịt, trứng, rau, củ, quả các loại…", Quý chia sẻ.
Với Tâm Đan thì nụ cười nở rộ trên từng gương mặt, ánh mắt triều mến của các em nhỏ khi nhận những phần thức ăn buổi sáng, hay những bộ quần áo, phần nước ngọt mà đội hình mang về phát tặng thì đó cũng chính là điều hạnh phúc nhất với các bạn. Niềm hạnh phúc đó làm vơi đi hết những mệt nhọc, dù rằng sau khi phát buổi ăn sáng đó, họ lại lên đường đến các công trình làm nhiệm vụ.
Chị La Mo Thị Thiên, người dân tộc Chăm, trú tại thôn Phú Tâm, dẫn 2 đứa con (đứa lớn học lớp 2 và đứa nhỏ 4 tuổi) đến ăn sáng, còn chị thì tranh thủ lựa vài bộ quần áo được các sinh viên tình nguyện mang đến để về mặc.
Chị Thiên kể: "Nghe nói có bữa ăn sáng nên 2 đứa nhỏ cứ hối mẹ dẫn đi sớm. Đến đây được ăn đồ ngon nên đứa nào cũng thích. Bình thường ở nhà mình ăn gì thì tụi nhỏ ăn đó. Mà toàn ăn cơm với lá sắn (mì - PV) không à. Còn mình thì rất muốn đến để lựa quần áo. Vì bình thường cả năm không bao giờ có tiền mua áo quần. Hôm nay lựa được quá chừng đồ đẹp, vui lắm".
Ăn xong một bát súp, La Thanh Thảo (6 tuổi), nhà tại thôn Phú Tâm, được các anh chị sinh viên tình nguyện đưa thêm một bát khác. Lần đầu tiên được ăn súp nên Thảo ngồi ăn rất ngon và khoái chí. Cô bé nói: "Có hôm con không ăn sáng, có bữa thì mẹ nấu cơm ăn với canh lá sắn. Con ước ngày nào cũng được ăn sáng ngon như thế này".
Riêng mùa hè năm nay, ông Hoài cho biết đội hình sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã thực hiện được các công trình rất ý nghĩa, trong đó dẫn được nước tự chảy từ nguồn về giúp người dân ở xã thoát được tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Đoàn trường đã vận động đơn vị tài trợ đường ống nước hơn 700 triệu đồng, 5 tấn xi măng, máy nước lọc khoảng 50 triệu đồng. Đoàn trường còn hỗ trợ 120 triệu đồng cho địa phương, 2 tuyến đường điện năng lượng mặt trời; đường cờ Tổ quốc; các hoạt động an sinh xã hội. Trước đó là xây nhà tình thương; bê tông hóa các tuyến đường; thắp sáng làng quê…
Bình luận (0)