Thông tin này được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tiết lộ với Thanh Niên bên lề Quốc hội chiều 27.10. Theo đó, phần đáng “mật” đã được các cơ quan lập báo cáo tách riêng, còn lại đều được gỡ mật.
Kết quả này có được từ sự đấu tranh bền bỉ của bà Nga cho việc dỡ những dấu mật được đóng rất tùy tiện ở nhiều loại văn bản, mà nếu “luật không quy định rõ ràng thì chính chúng tôi (tức các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) sẽ là những người phải gánh chịu”.
Tại kỳ họp này, một số phóng viên đã nhận được báo cáo Phòng chống tội phạm của Bộ Công an, nhưng không chú ý đó là dấu hiệu của một sự thay đổi đáng kể, dỡ được "mối nguy" bị khởi tố trực chờ trên đầu họ.
Báo cáo này các năm trước đều được Bộ trưởng Công an trình bày tại hội trường kỳ họp Quốc hội, phóng viên ngồi nghe để đưa tin, chứ không được cung cấp văn bản, vì là báo cáo “mật”. Việc làm này, theo bà Lê Thị Nga, có thể đẩy phóng viên đến hoàn cảnh bị khởi tố; và bản thân bà cũng đã từng chứng kiến một phóng viên rơi vào tình cảnh này.
Phóng viên một tờ báo ngành cũng từng gặp rắc rối lớn vì đưa số liệu trong một báo cáo được trình bày công khai tại hội nghị, nhưng Bộ Công an cho rằng đó là số liệu mật.
Như vậy, đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 này, chỉ còn 1 báo cáo “mật” vẫn được Bộ trưởng đọc trên hội trường và phóng viên đưa tin trong trạng thái "chung chiêng", không biết có vướng vào tội làm lộ mật hay không, là báo cáo về ngân sách của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Hành trình "giải mật"
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 7, khi cho ý kiến về luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề cập đến sự “trái ngang” của dấu mật trong các báo cáo mà ủy ban này phải thẩm tra.
“4 báo cáo mà chúng tôi phải thẩm tra hàng năm, là báo cáo công tác phòng chống tội phạm của Bộ Công an, báo cáo công tác xét xử của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và báo cáo công tác thi hành án - đều được các đồng chí đóng mật, toàn bộ báo cáo. Việc này đẩy chúng tôi vào tình thế báo cáo thẩm tra cũng phải đóng mật. Nếu như vậy thì từ bấy đến giờ tất cả các phóng viên bị truy tố hết cả rồi. Chỗ này các đồng chí phải xem, thế là không ổn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Bà Nga cũng nêu lên một thực tế là chính bà với tư cách Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhìn vào mảng công việc mình phụ trách, cũng không biết chỗ nào mật, mật những nội dung gì. Bà cũng đề nghị danh mục tài liệu mật cần phải công khai, bởi “nếu danh mục mật cũng để mật nốt thì ai biết chỗ nào mà tránh”.
“Tôi đã từng chứng kiến một phóng viên bị khởi tố để điều tra về việc đưa thông tin mà phía công an bảo là mật”, bà Nga nói.
Lạm dụng "mật" vẫn còn phổ biến
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Ủy ban Tư pháp lại một lần nữa lên tiếng về việc lạm dụng dấu mật.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật để không công khai hoặc công khai nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai... vẫn diễn ra, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án...
“Trong một số trường hợp, mặc dù pháp luật mới được ban hành đã mở rộng phạm vi công khai, minh bạch thông tin, hoạt động, nhưng một số văn bản quy định về danh mục bí mật nhà nước chậm được sửa đổi dẫn đến một số bộ, ngành vẫn sử dụng những văn bản này để không công khai nhiều thông tin mà theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự phải công khai”, báo cáo nêu và lại dẫn ví dụ “như Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn căn cứ vào văn bản được ban hành trước đó (Quyết định số 481/2004/QĐ-BCA ngày 27.5.2004 của Bộ trưởng Bộ Công an về Danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Kiểm sát nhân dân) để đóng dấu “mật” vào một số nội dung lẽ ra phải công khai trong hoạt động điều tra, kiểm sát...”.
Chỉ ra thực tế này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định về danh mục bí mật nhà nước để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và quyền tiếp cận thông tin của công dân; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Cũng tại báo cáo này, Ủy ban Tư pháp nhận định “việc công khai, minh bạch hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế”. Theo đánh giá PAPI năm 2017, ở cấp tỉnh không có nhiều tiến bộ trong thúc đẩy công khai, minh bạch, nhất là trong quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất. Điều này cũng một phần lý giải vì sao đất đai góp đến hơn 80% vào tổng số các vụ khiếu kiện trên cả nước.
Bình luận (0)