Sáng 22.11, thảo luận về luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên) chia sẻ đồng tình với phát biểu trước đó của các đại biểu. Cụ thể, xu hướng thứ nhất cho rằng bí mật nhà nước bị lộ trong một số trường hợp trên môi trường mạng, có những văn bản mật của những cơ quan quan trọng cũng bị chụp đưa lên mạng, ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Xu hướng thứ hai là lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật, danh mục mật thì chậm rà soát sửa đổi, có danh mục từ năm 2000 - 20004 nhưng vẫn áp dụng.
“Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng hiện hành, đóng dấu vào chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó không có thông tin mật nhưng vẫn đóng dấu mật khiến đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri”, bà Nga nói.
Nhiều thông tin phòng chống tham nhũng cũng bị lợi dụng bảo mật để không công khai, không chỉ ảnh hưởng đến phòng chống tham nhũng mà còn quy chụp. Qua theo dõi các vụ án thì thấy một số cá nhân rơi vào lao lý trong những trường hợp văn bản luật không rõ ràng, ví dụ như báo chí, thậm chí một số cán bộ trong trường hợp bị quy làm lộ bí mật nhà nước.
ĐBQH Bùi Đặng Dũng dẫn câu chuyện sức khỏe Chủ tịch nước khiến dân mạng đồn thổi, chỉ đến khi Chủ tịch nước xuất hiện khỏe mạnh mới đập tan tin đồn để đặt vấn đề có nên coi sức khỏe lãnh đạo là bí mật.
Đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cũng cho rằng, các văn bản không được giải mật kịp thời sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Theo ông, tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước rất phức tạp trên internet, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng xác định tùy tiện không mật cũng đóng dấu mật, hoặc chỉ mật nhưng đóng dấu tuyệt mật, tối mật… Vì thế, ngoài việc căn cứ vào mức độ gây thiệt hại, cần căn cứ vào mức độ quan trọng của thông tin khi đóng dấu mật.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự luật đang được tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua theo đúng quy trình.
Bình luận (0)