Buộc Facebook, Google đặt máy chủ khó khả thi
Tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về dự luật An ninh mạng và Bảo vệ bí mật nhà nước tại tổ chiều 13.11, đại biểu (ĐB) Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP.HCM) cho rằng, vấn đề yêu cầu đặt máy chủ tại VN, dư luận hiện đang rất nóng do cách diễn giải không đầy đủ.
|
“Nếu diễn giải bao trùm hết cả Facebook, Google, Amazon cũng phải đặt máy chủ ở VN thì không ổn. Facebook là dịch vụ toàn cầu hóa, kinh doanh ở 200 nước, chẳng lẽ phải đặt máy chủ ở cả 200 nước hay sao, chi phí rất lớn. Nếu chúng ta quy định như vậy là không khả thi, trừ khi thị trường của chúng ta lớn như Trung Quốc”, ông Dũng nói. ĐB này ủng hộ phải quản lý về mặt kỹ thuật.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, lại cho rằng biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất để kiểm soát tình hình an ninh mạng chính là kiểm soát chặt chẽ những nhà cung cấp thông tin như Google, YouTube. “Vậy có nên đặt máy chủ tại VN? Chúng tôi cho rằng rất cần thiết, nếu vì mục đích bảo vệ bí mật của người tiêu dùng thì phải đặt máy chủ tại VN. Tuy nhiên, cũng phải tôn trọng cam kết quốc tế”, ông Thịnh nói.
Không thể cản trở internet
Thảo luận tại tổ Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an được phân công chủ trì soạn thảo dự luật An ninh mạng và rất thận trọng trong thực hiện, do liên quan đến quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Theo ông Tô Lâm, trong an ninh mạng phải đảm bảo cả bí mật đời tư người dân chứ không chỉ là an ninh chung của quốc gia. Bộ Công an đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế, văn hóa... Vì vậy, không thể ngăn chặn, cản trở sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì.
“Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới”, thượng tướng Tô Lâm nói, nhưng cũng cho rằng “khi vào cuộc chơi chung” thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu “chúng ta không làm chủ”.
Lạm dụng “mật hóa”
ĐB Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) cho rằng thực tiễn lộ, lọt bí mật nhà nước, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến, việc xây dựng luật là cần thiết. Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hóa” văn bản để bưng bít thông tin. ĐB này cũng băn khoăn khi dự thảo giao chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục bí mật nhà nước, bởi với 63 tỉnh, thành có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tùy thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này “mật” nhưng nơi kia lại “tối mật”, tạo nên sự không thống nhất.
tin liên quan
Facebook kinh doanh ở 200 nước, không lẽ phải đặt 200 máy chủ?Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quản lý là cần thiết, nhưng yêu cầu các nhà cung cấp mạng xã hội, viễn thông như Facebook, Google... phải đặt máy chủ tại Việt Nam khó khả thi.
Lo ngại Long Thành trở thành... thành phố nghĩa trang
Sáng 13.11, các ĐBQH thảo luận về dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay quốc tế Long Thành. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc hình thành khu tái định cư ở Bình Sơn với diện tích 289,7 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành một TP sân bay hiện đại trong tương lai. Ngoài ra, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ quy hoạch một nghĩa trang 50,9 ha tại xã Bình An, trong đó 20 ha phục vụ nghĩa trang nhân dân, còn lại Công ty TNHH Hoa Viên Bình An kinh doanh. Tuy nhiên, theo ĐB Cường, với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt xã Bình An sẽ là trung tâm phát triển trong tương lai, thì đất nghĩa trang có thể còn cao hơn nhiều so với đất đô thị, biệt thự hạng sang.
Nhắc lại bài học kinh nghiệm từ nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội chưa đến 2 ha nhưng đã và đang là vật cản rất lớn trong thu hút đầu tư xuống phía nam Hà Nội, ông Cường lo ngại: “Nếu quy hoạch và tầm nhìn dự án như vậy Long Thành rất khó trở thành TP sân bay mà rất có thể sẽ thành TP nghĩa trang”.
Nhiều ĐB khác đề nghị làm rõ vấn đề vốn cho dự án. “Ban đầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo hơn 13.000 tỉ đồng, sau đó hơn 18.000 tỉ và hiện nay là hơn 23.000 tỉ đồng, đây cũng chỉ là con số ước tính tại tháng 7.2017, đây là dự án lớn, thời gian dài, thực tế triển khai còn tăng nữa không”, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lưu ý cần giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, bởi thực tế đã có quá nhiều dự án khi đưa ra rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng lại phình ra ghê gớm, tạo nợ công rất lớn.
Giải trình ý kiến các ĐB, theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, nếu thực hiện tốt, đến năm 2025 mới có thể đưa giai đoạn 1 Long Thành vào khai thác, như vậy trong 8 năm tới, ngành GTVT và TP.HCM sẽ phải rất khó khăn để giải quyết những vấn đề của Tân Sơn Nhất.
Mai Hà
|
Bình luận (0)