Gỡ khó cho cụm công nghiệp Trảng É

20/11/2021 08:00 GMT+7

Sau khi hoàn thiện hạ tầng, CCN Trảng É 1 (Khánh Hòa) đã ký hợp đồng với 10 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn 920 tỉ đồng. Hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện các hạng mục còn lại để đón nhà đầu tư tiếp theo.

CCN Trảng É 1 hút vốn đầu tư bởi cơ sở hạ tầng hoàn thiện cùng chi phí thuê hợp lý

Nguồn ảnh: Ngọc Phúc

Đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa

Những năm qua, ngành công nghiệp Khánh Hòa không ngừng tăng trưởng và đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế. KCN Suối Dầu - KCN đầu tiên của Khánh Hòa, nhiều năm qua đã trở thành khu công nghiệp (KCN) hàng đầu của tỉnh về quy mô, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 95%; thu hút hơn 55 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm cho gần 13.000 lao động.

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, đơn vị quản lý các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, cho biết giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Khánh Hòa thu hút được gần 200 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 180.000 tỉ đồng. Trong đó, vai trò của CCN trong phát triển kinh tế ở các địa phương là rất lớn.

Toàn tỉnh hiện có 8 CCN được UBND tỉnh đồng ý, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng. Trong đó, 6 CCN (Diên Phú, Diên Phú - VCN, Đắc Lộc, Ninh Ích, Trảng É 1, Sông Cầu) đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động, thu hút được 58 dự án và đã có 48 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 4.500 lao động.

Chi nhánh Công ty CP thiết bị điện Phước Thạnh xây dựng xong nhà xưởng, chuẩn bị đưa vào hoạt động

Nguồn ảnh: Ngọc Phúc

Gỡ khó để hút vốn đầu tư

Nếu như CCN Sông Cầu được xây dựng tại huyện miền núi Khánh Vĩnh với mục tiêu phát triển công nghiệp về phía tây, thu hút lao động là đồng bào dân tộc, tăng ngân sách cho huyện nghèo, thì CCN Trảng É (xã Suối Cát, H.Cam Lâm) giải quyết bài toán di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi TP.Nha Trang, giúp giảm tải áp lực về mật độ sản xuất, ô nhiễm môi trường cho TP.

Được khởi công xây dựng từ năm 2014 tại xã Suối Cát, H.Cam Lâm, CCN Trảng É có quy mô khoảng 80 ha (bao gồm 2 cụm Trảng É 1 và Trảng É 2), tổng vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng, do Công ty TNHH MTV đầu tư và kinh doanh bất động sản Khatoco làm chủ đầu tư. Trong đó, CCN Trảng É 1 với quy mô 35 ha đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có 10 nhà đầu tư ký hợp đồng thuê đất với tỷ lệ lấp đầy đạt 93%, 4 đơn vị đã xây dựng nhà xưởng, trong đó có 1 đơn vị đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Theo ông Phan Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và kinh doanh bất động sản Khatoco, CCN Trảng É cơ bản đã hoàn thành cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của chủ đầu tư là CCN Trảng É 1 chưa được phê duyệt giá đất trong bảng giá đất của tỉnh Khánh Hòa, nên việc xác định lệ phí trước bạ làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho nhà đầu tư thứ cấp bị vướng. Đối với CCN Trảng É 2,do thủ tục bồi thường giải tỏa kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác triển khai đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, CCN Trảng É 2 đang được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất theo hình thức trả tiền hằng năm (trong khi Trảng É 1 theo hình thức trả tiền 1 lần), điều này gây ra sự bất bình đẳng cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất giữa cụm 1 và cụm 2.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo CCN Trảng É về tiến độ thi công và giải quyết các vướng mắc cho dự án, ông Lê Hữu Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ dự án di dời Nhà máy thuốc lá Khatoco vào CCN Trảng É trước quý 1/2022, đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho CCN Trảng É.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.