Gỡ khó cho đất xen kẽ trong dự án

18/07/2020 06:39 GMT+7

Hàng trăm dự án ách tắc tại TPHCM có cơ hội được giải phóng, triển khai nếu quy định trong dự thảo Nghị định hướng dẫn xử lý phần đất do nhà nước quản lý nằm xen kẹt trong dự án của doanh nghiệp được thông qua.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên - Môi trường kiến nghị một số vấn đề nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đang làm ách tắc các dự án đầu tư và các dự án nhà ở.

Tăng nguồn cung, tăng nguồn thu ngân sách

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea, thị trường bất động sản gặp khó khăn rất lớn trong 2 năm 2018 - 2019, bị sụt giảm nguồn cung, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, làm cho phần lớn cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ, người nhập cư càng khó có cơ hội tạo lập nhà ở. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự án bị ách tắc là do những vướng mắc, chồng chéo, không thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, thậm chí xảy ra “xung đột” trong một số quy phạm pháp luật.
Trong đó, một vấn đề gây ách tắc hàng trăm dự án bất động sản ở TP.HCM được HoRea đề cập khá kỹ. Cụ thể, khoản 13 điều 1 “Dự thảo Nghị định” sửa đổi, bổ sung điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 6 về cơ chế xử lý phần đất do nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án của chủ đầu tư, quy định đối với thửa đất có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; nếu không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Như vậy, chỉ có các thửa đất do nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư mà có đủ điều kiện hình thành dự án độc lập, thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Các thửa đất không đủ điều kiện hình thành dự án độc lập, thì thực hiện giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư. “Nếu các quy định này được thông qua, sẽ giúp giải quyết dứt điểm các vướng mắc đối với các phần đất do nhà nước quản lý, nằm xen kẽ trong 126 dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện nay trên địa bàn TP.HCM, đang bị ngừng triển khai và giúp tái khởi động các dự án này, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước”, ông Châu kỳ vọng.

"Siết" thời hạn thực hiện

Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp có dự án liền kề thửa đất này, cũng có nhu cầu tham gia đấu giá. Nếu trúng đấu giá thì sẽ thực hiện dự án khác, hoặc hợp thửa với dự án đã có sẵn. Nếu không trúng đấu giá thì cũng có khả năng mua lại hoặc hợp tác với người trúng đấu giá. Đằng nào cũng có lợi về mặt kinh tế, xã hội. Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu, nếu quy trình, thủ tục đấu giá “thửa đất có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập” bị chậm, thì sẽ dẫn đến việc chậm xác định người trúng đấu giá và ngân sách nhà nước chậm thu được khoản tiền này. Do vậy, việc nhanh chóng tổ chức thực hiện đấu giá “thửa đất có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập”, cần được quy định sớm nhất có thể (có thể không chậm hơn 90 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất) ngay trong nghị định này, hoặc trong thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện, để sớm tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và sớm đưa đất vào sử dụng, theo quy định của luật Đấu giá tài sản.
Do vậy, ông Châu đề nghị hoàn thiện nội dung khoản 13 điều 1 “Dự thảo Nghị định”, sửa đổi, bổ sung điểm (a) khoản 6 điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, như sau: “Trường hợp diện tích đất do nhà nước giao đất để quản lý, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án độc lập đó theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Việc tổ chức đấu giá được thực hiện không chậm hơn 90 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.