Gỡ khó dự án PPP, áp dụng trở lại hợp đồng BT

Mai Hà
Mai Hà
30/10/2024 10:48 GMT+7

Một luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, đấu thầu được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt cho các dự án PPP như cho áp dụng trở lại hợp đồng BT, nâng tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn 50%...

Sáng 30.10, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và luật Đấu thầu.

Gỡ khó dự án PPP, áp dụng trở lại hợp đồng BT- Ảnh 1.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

ẢNH: GIA HÂN

Theo luật PPP hiện hành, chỉ 5 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP. Vốn tối thiểu để thực hiện dự án trong các lĩnh vực này là 100 tỉ đồng đối với dự án y tế, giáo dục - đào tạo và 200 tỉ đồng đối với các dự án còn lại.

Bộ KH-ĐT cho biết, việc thực hiện các quy định trên thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, một số địa phương có điều kiện thực hiện dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, xây dựng chợ... nhưng không được quy định tại luật.

Cạnh đó, một số dự án quy mô nhỏ, có tiềm năng thu hút nhà đầu tư nhưng lại không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu để thực hiện theo phương thức PPP (ví dụ vốn 100 tỉ đồng là quá cao đối với dự án y tế, giáo dục - đào tạo).

Hiện một số địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng đã được Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện dự án PPP trong các lĩnh vực chưa được quy định tại luật PPP. Bên cạnh đó, luật Thủ đô, luật Tài nguyên nước, luật Di sản văn hóa cũng bổ sung lĩnh vực khác.

Do đó, Chính phủ đưa ra loạt đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án PPP, nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư. Cụ thể, dự thảo xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và không quy định mức vốn tối thiểu đối với các dự án.

Áp dụng trở lại hợp đồng BT

Theo cơ quan soạn thảo, từ năm 2021, hợp đồng BT không áp dụng đối với dự án đầu tư mới. Lý do việc dừng thực hiện dự án BT theo luật PPP xuất phát từ những bất cập của việc thực hiện loại hợp đồng này, như một số dự án không có mục tiêu đầu tư phù hợp, không cần thiết; giá trị công trình BT được xác định không chính xác, đa số dự án có suất đầu tư cao hơn so với dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu không cạnh tranh; công tác giám sát bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm…

Gỡ khó dự án PPP, áp dụng trở lại hợp đồng BT- Ảnh 2.

Dự thảo luật PPP cho áp dụng trở lại các dự án BT

ẢNH: GIA HÂN

Do đó, theo Bộ KH-ĐT, nếu mô hình này được nghiên cứu kỹ lưỡng để đổi mới toàn diện, khắc phục tối đa những bất cập của giai đoạn trước thì vẫn có thể phát huy được hiệu quả. Hiện Quốc hội đã cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai loại hợp đồng BT, gồm TP.HCM, Hà NộiNghệ An.

Tuy nhiên, cách thức áp dụng còn chưa thống nhất, tùy thuộc vào điều kiện đặc thù của từng địa phương. Trong đó, TP.HCM được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền (sử dụng ngân sách thành phố). Hà Nội được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền (ngân sách thành phố) hoặc thanh toán bằng quỹ đất.

Bộ KH-ĐT cho rằng, trong bối cảnh việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng khó khăn và nhu cầu đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tăng mạnh, cần xem xét tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế thực hiện loại hợp đồng này.

Để khắc phục các tồn tại của hợp đồng BT giai đoạn trước, Chính phủ yêu cầu đổi mới toàn diện theo hướng tổng mức đầu tư công trình BT phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình. Ngoài ra, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư (bằng đất, bằng tiền) phải được xác định cụ thể, rõ ràng, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án. Cơ chế quản lý hợp đồng phải bảo đảm chặt chẽ, tránh phát sinh lãi trả chậm dẫn đến tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng công trình sau khi nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước.

Nêu ý kiến thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT, đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư.

160 dự án BT "mắc kẹt" cần nghị quyết tháo gỡ

Trước đó, tại Tờ trình số 513/TTr-CP ngày 24.9.2024, Chính phủ đã đề xuất nội dung xử lý các vấn đề vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp. Theo tổng hợp của Bộ KH-ĐT, hiện có 162 dự án BT chuyển tiếp, tổng mức đầu tư hơn 58.000 tỉ đồng với hơn 20.000 ha đất đối ứng.

Theo cơ quan soạn thảo, đây là nội dung phức tạp, liên quan đến khoảng 160 dự án mà hợp đồng được ký kết chưa đúng với quy định của pháp luật, cần được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền về nội dung này theo hướng nghiên cứu xây dựng nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án này, theo hướng rà soát, đánh giá, phân loại vướng mắc cụ thể đối với từng dự án, xác định mức độ vi phạm để xử lý theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.