Gỡ khó xét tặng danh hiệu nghệ sĩ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/08/2018 07:02 GMT+7

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), cho rằng việc sửa luật Thi đua, khen thưởng có thể sẽ gỡ khó cho việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ.

Hội đồng “cứng nhắc”
Khi Sở VH-TT Hà Nội công bố về việc xét tặng danh hiệu, NSƯT Nguyễn Thị Thu Huyền (Huyền chèo) đã trượt. Tiêu chí để được xét duyệt NSND phải đoạt 2 huy chương vàng (HCV) toàn quốc. Huyền chèo đã có 1 HCV toàn quốc và 1 HCV của Hội Nghệ sĩ VN. Tuy nhiên, tấm HCV của Hội Nghệ sĩ VN chỉ được tính 70%. Hồ sơ của bà Huyền do đó không được Hội đồng thông qua để gửi Hội đồng cấp Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND. “Tôi thừa nhận Hà Nội làm rất nghiêm túc, tiêu chí không đủ là tôi gạt, bất kỳ người đó là ai”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nói.
Nghệ sĩ Minh Vương nói về việc trượt danh hiệu NSND
Trong khi đó, cùng đợt xét duyệt năm nay, hồ sơ của NSƯT Huỳnh Văn Hùng, Hội đồng cấp tỉnh Đà Nẵng đã chuyển lên Hội đồng cấp Nhà nước trong khi ông chỉ có 2 huy chương bạc (HCB) và thiếu điều kiện khác là chưa tốt nghiệp trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, hồ sơ của ông đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét duyệt. Các chuyên gia ngành truyền hình cũng đã bỏ phiếu thông qua trường hợp này. Về trường hợp NSƯT Huỳnh Văn Hùng, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), công nhận: “Nếu đúng như Nghị định thì không đáp ứng thật”.
Tôi hy vọng thời gian tới Bộ Nội vụ, cụ thể là Ban Thi đua khen thưởng trung ương có văn bản trình Chính phủ rồi báo cáo Quốc hội cho phép sửa luật Thi đua, khen thưởng
Ông Phùng Huy Cẩn (Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VH-TT-DL)
Theo ông Cẩn, có cái khó khi xét duyệt là cần phải đánh giá toàn diện, nếu cứ cứng nhắc, hàng loạt nghệ sĩ cải lương, tính huy chương chỉ có trượt. “Nói nghệ sĩ Minh Vương trượt 3 lần, thì 2 lần trước là trượt ở hội đồng cấp Sở. Lần thứ nhất, tôi chưa làm thi đua khen thưởng, tôi không rõ. Nhưng lần thứ hai thì áp dụng luật mới, và TP.HCM làm quá nghiêm túc nên trượt”, ông Cẩn cho biết.
Ông Động cho rằng: “Khó có sự công bằng chung trong cả nước. Nhưng mỗi hội đồng phải chịu trách nhiệm với lá phiếu của mình. Đúng là Hà Nội và TP.HCM làm gắt hơn thật”. Ông Động nói có những trường hợp, các nghệ sĩ cũng khe khắt với nhau ở hội đồng chuyên ngành. Chẳng hạn, nghệ sĩ chèo rất khó được nhiều phiếu thuận. Trong khi đó, các nghệ sĩ ở Hội đồng truyền hình nhiều cơ hội hơn các nghệ sĩ ở lĩnh vực điện ảnh do ngành truyền hình năm nào cũng có giải thưởng.
Điều chỉnh luật để đỡ khô cứng
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, vấn đề nằm ở con người. Nếu có một hội đồng tốt, linh hoạt thì việc xét tặng cũng sẽ đảm bảo chất lượng hơn. Vì thế, theo ông, việc lựa chọn những người ngồi hội đồng phải là những nhà nghiên cứu có đủ am hiểu nghệ thuật. Quan trọng hơn, họ phải có chính kiến, và sẵn sàng chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. “Tôi nghĩ, cần công khai phiếu bầu để thành viên hội đồng có trách nhiệm hơn với lá phiếu. Cũng cần công khai cả lý lịch khoa học, nghệ thuật của họ nữa”, ông Loan nói.
NSND Phạm Anh Phương, nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, đưa ý kiến cần có những điều chỉnh luật để việc xét tặng đỡ khô cứng. Chẳng hạn, điều chỉnh tỷ lệ phiếu bầu đồng thuận của hội đồng xuống chứ không yêu cầu cao tới 90% như hiện nay. Ông nói có thể tăng tỷ lệ thành viên là người trong chuyên ngành, như thế việc nhìn nhận chuyên môn sẽ sâu và xác đáng hơn.
Ông Tô Văn Động cho rằng tiêu chí phải điều chỉnh. Trong đó, phải tránh chuyện bám vào thành tích “cứng” là huy chương, phải đặt việc phục vụ công chúng lên đầu tiên. “Tiêu chí hết sức cụ thể nhưng phải hết sức bao quát. Có những người chẳng đi hội diễn, chả có huy chương nhưng người ta xứng đáng NSND thì phải đưa ra tiêu chí để xét người đó. Nhưng ngược lại có những nghệ sĩ chỉ suốt ngày nhăm nhăm đi hội diễn để lấy huy chương nhưng rồi cũng không phục vụ nhân dân được mấy thì cũng phải tính toán lại”, ông Động nói.
NS Lệ Thủy lên tiếng về việc trượt danh hiệu NSND của Minh Vương
Ông Động cũng là người ủng hộ công khai hội đồng: “Theo tôi, cứ công khai hết ra để chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình. Cũng có người sợ công khai thì thành viên có thể bị thóa mạ. Phương án nào cũng có cái được và không được. Nhưng công khai minh bạch sẽ dễ hơn”. Ông Động còn nói, việc công khai hội đồng và phiếu bầu sẽ giúp tránh được chuyện nghệ sĩ bằng mặt mà không bằng lòng rồi dìm nhau. “Ngày xưa chèo nổi tiếng chuyện dìm nhau, đất nước này chỉ có 1 NSND hát chèo thôi, không muốn ai lên cả. Làm thui chột nhân tài đi”, ông Động nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Cẩn cho rằng, trước đây, trong luật Thi đua, khen thưởng còn có trường hợp đặc biệt, vận dụng, đặc cách. Khi có những từ đó trong các văn bản thi đua khen thưởng thì nói chung hội đồng xét duyệt có thể vận dụng uyển chuyển. Chẳng hạn, có thể tránh được việc cứng nhắc đến mức 3 lần đánh trượt nghệ sĩ Minh Vương. “Nhưng luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội thông qua năm 2014 từ đặc biệt, vận dụng, đặc cách là bỏ hết. Quốc hội có lý nhằm tránh việc tiêu cực nhưng đồng thời cũng để xảy ra tình huống rất khó. Tôi hy vọng thời gian tới Bộ Nội vụ, cụ thể là Ban Thi đua khen thưởng trung ương có văn bản trình Chính phủ rồi báo cáo Quốc hội cho phép sửa luật Thi đua, khen thưởng”, ông Cẩn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.