Sau khi báo chí phát hiện, phản ánh, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh này đã kiểm tra. Theo kết luận, tại ốc đảo trên lòng hồ thuộc tiểu khu 334 có xảy ra tình trạng tập kết gỗ.
Tại thời điểm kiểm tra phát hiện 29 lóng gỗ và một số củi, cành nhánh, khối lượng khoảng 5 m3 và 4 ster củi. Ngoài ra, Đồn biên phòng Ia O phối hợp với Hạt Kiểm lâm H.Ia Grai phát hiện 96 hộp gỗ xẻ, khối lượng hơn 2,2 m3. Tại hiện trường còn có 3 tời cáp thủ công làm bằng gỗ dùng để trục vớt gỗ cùng 7 lò than.
Kết luận ban đầu cho rằng, tại hiện trường và qua xác minh những người dân sinh sống trên ốc đảo thì toàn bộ gỗ, củi được trục vớt dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4 bằng tời thủ công tự chế. Khu vực này trước đây là rừng tự nhiên, hiện nay đã chuyển đổi thành lòng hồ thủy điện.
Nếu sự việc có vậy, sẽ chẳng có điều gì bất thường. Song, chuyện lại ẩn chứa nhiều bất thường. Đó là nguồn gốc số gỗ lớn ước hàng trăm lóng từ trên lẫn dưới lòng hồ thủy điện với vết cắt còn mới mà chúng tôi tận mắt thấy không rõ từ đâu xuất hiện ở đây, trong khi rừng xung quanh đã không còn những cây lớn. Vậy gỗ ở đâu ra?
Để tận thấy và kiểm chứng, PV đã lặn xuống nước và đụng phải nhiều khúc gỗ lớn, gần bờ. Trong lúc này, một số đối tượng lạ mặt bỗng từ đâu xuất hiện đe dọa, buông những lời thóa mạ PV.
Thủy điện Sê San 4 đã đi vào hoạt động hơn 10 năm trước. Việc tận thu gỗ lòng hồ cũng đã được triển khai trước đó khi rừng bị ngập nước. Lý giải gỗ từ lòng hồ liệu có thuyết phục? Và nữa, với đầy đủ chức năng, quyền hạn trong tay, lực lượng chức năng tại sao không phát hiện được vụ tập kết gỗ lớn như vậy?... Với địa bàn giáp ranh với tỉnh Kon Tum, nơi còn những cánh rừng với nhiều gỗ lớn, không chuyện gì không thể diễn ra. Công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây một lần nữa dấy lên sự lo ngại của dư luận.
Bình luận (0)