Gỡ mãi chưa ra 'nút thắt' thị thực

08/12/2018 11:59 GMT+7

Trong khi các nền kinh tế mạnh như Hàn Quốc cũng phải "dũng cảm" nới visa (thị thực) để phát triển du lịch thì chính sách visa của Việt Nam nhiều năm vẫn luôn bị đánh giá là không có sức cạnh tranh và kém hấp dẫn.

“Khát” khách nhưng không chịu mở cửa
Câu chuyện Hàn Quốc quyết định áp dụng chính sách visa đặc biệt cho công dân 3 thành phố của Việt Nam báo hiệu một cuộc bùng nổ tour Hàn trong thời gian tới. Đây không phải lần đầu tiên Hàn Quốc có những động thái thể hiện việc “ưu ái” du khách Việt. Hồi tháng 3.2017, Chính phủ Hàn Quốc ra thông báo miễn visa nhập cảnh 5 ngày cho du khách Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam tới thăm đảo Jeju, tạo điều kiện để du khách được tham quan Seoul và các thành phố phía nam mà không cần thị thực.
Đến đầu tháng 10, nhà chức Hàn Quốc này tiếp tục “nới” điều kiện chứng minh tài chính đối với du khách Việt, mở rộng đối tượng được xét cấp thị thực đi lại vào Hàn Quốc nhiều lần. Loạt chính sách visa này ngay lập tức phát huy tác dụng khi Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) cho biết năm 2017 lượng du khách Việt đến Hàn tăng trưởng nhanh chóng, tính đến tháng 11 đã đạt mốc 302.264 lượt, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Chính sách visa thông thoáng đã giúp Hàn Quốc thu hút được lượng lớn du khách Việt Nam Đậu Tiến Đạt
Điều đáng nói, trong khi Hàn Quốc - vốn đã luôn là điểm phải đến của hầu hết tín đồ du lịch Việt Nam - nhưng vẫn “dũng cảm” bỏ qua tình trạng du khách Việt trốn lại bất hợp pháp để kích cầu du lịch, thì người Hàn sang Việt Nam du lịch, làm việc lại gặp nhiều rào cản.
Đại sứ Hàn Quốc Kim Do-hyon cùng lúc công bố chính sách visa đặc biệt cho công dân Việt Nam cũng cho biết Chính phủ nước này hy vọng Chính phủ Việt Nam xem xét gia hạn thời gian lưu trú không cần thị thực của người Hàn Quốc tại Việt Nam lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay và không giới hạn công dân Hàn Quốc sau khi xuất cảnh, 1 tháng sau mới có thể nhập cảnh lại vào Việt Nam (Quy định về khoảng cách các lần nhập cảnh tại khoản 1, điều 20 luật Xuất nhập cảnh).
Bên cạnh đó, ông Kim cũng cho rằng, hiện doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam rất nhiều, nhưng ông chủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư hàng triệu USD cũng chỉ được cấp thời hạn visa lưu trú tối đa đến 3 năm. Phía Hàn Quốc rất hy vọng Chính phủ Việt Nam có thể gia hạn thời gian visa của các nhà đầu tư của mình...
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng không cần Hàn Quốc mở lời, đáng ra Việt Nam phải chủ động đi trước, mở chính sách visa cho không chỉ công dân Hàn Quốc mà còn nhiều nước khác vì mình mới là đất nước cần khách hơn. “Thị thực là một trong những nút thắt lớn nhất trong việc phát triển du lịch Việt Nam. Khi hai điểm đến như nhau, nơi nào thủ tục đi lại dễ dàng hơn thì khách sẽ chọn. Muốn hút khách mà cửa không hé ra thì đừng mong ai vào” - ông Lương nhấn mạnh.
Miếng bánh không ai chịu “nhả”
Câu chuyện thị thực ngáng đường du lịch thực tế đã được đặt ra từ rất nhiều năm qua nhưng tình hình gần như không có sự chuyến biến. Sau bao lần rón rén nới nhỏ giọt, đến nay Việt Nam mới miễn visa cho 24 nước, chỉ bằng 1/3 số công dân quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/6 Indonesia và chưa bằng 1/7 Singapore.
Việc miễn thị thực (visa) được coi là biện pháp hàng đầu để thu hút du khách, nhưng Việt Nam lại là một trong những nước có chính sách visa khắt khe. Đào Ngọc Thạch
Giám đốc một công ty lữ hành nhận định nút thắt visa của Việt Nam nới mãi không ra là do đây là miếng bánh ngon mà không ai chịu "nhả". Việc lo ngại mất nguồn thu từ phí xin visa của Bộ Ngoại giao và quyền duyệt visa của Bộ Công an được coi là rào cản chính khiến nhiều năm qua, chúng ta rất khắt khe trong việc miễn visa cho du khách quốc tế. Phân tích về lý do an ninh, vị này cho rằng không có quốc gia nào không cần an ninh. Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ… là những quốc gia phát triển, chỉ có dân Việt sang đó trốn chứ rất ít người Hàn, người Nhật nào trốn ở lại Việt Nam. Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có quyền không cho nhập cảnh khi cảm thấy có nghi ngờ. Cần phải tách bạch rõ ràng vấn đề an ninh với phát triển du lịch và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan kinh tế, các cơ quan an ninh để hỗ trợ tốt hơn cho phát triển du lịch Việt.
Đồng tình, ông Phạm Trung Lương nói thẳng chính sách visa không chịu mở là do sợ mất quyền lợi. Đơn cử, Việt Nam hiện nay có triển khai cấp visa online, cấp visa trực tiếp tại cửa khẩu nhưng thực tế chỉ mang tính thông lệ, du khách luôn bị làm khó.
“Mở cửa visa không chỉ làm mất đi khoản thu từ chi phí xin cấp mà còn khiến một số bộ phận mất đi những khoản không nhỏ chi phí không tên. Càng gây phiền hà cho khách thì bộ phận này càng được hưởng lợi. Đây là cốt lõi vấn đề mà nếu Chính phủ không nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết, du lịch Việt Nam rất khó để phát triển như kỳ vọng” - vị này cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.