Gỡ thẻ vàng IUU: Nỗ lực ở cơ hội cuối

28/03/2024 06:35 GMT+7

Phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) dự kiến sẽ đến VN vào tháng 6.2024 để tiến hành đợt kiểm tra thứ năm và xem xét việc gỡ "thẻ vàng" IUU. Có thể nói đây là cơ hội cuối để thủy sản VN vượt qua khe cửa hẹp.

Chạy nước rút

Từ giữa tháng 3, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang đã triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển theo kế hoạch của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang. Trong một tuần ra quân quyết liệt, đoàn công tác đã phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, chuyển cơ quan chức năng xử lý hàng chục vụ chủ tàu cá vi phạm pháp luật trên biển.

Ông Cô Hồng Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang, cho biết: "Việc kiểm soát, xử lý vi phạm đối với đội tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác) khá khó khăn do tỉnh có địa bàn rộng với khoảng 100 cửa sông, rạch thông lưu ra biển không có lực lượng biên phòng kiểm soát". 

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, toàn tỉnh có hàng trăm tàu "3 không" đang hoạt động ở vùng biển ven bờ, thuộc các địa bàn như Hòn Đất, Kiên Lương, An Minh, An Biên, Châu Thành, Kiên Hải, Phú Quốc, Hà Tiên… Mặc dù địa phương đã rất nỗ lực để khắc phục tình trạng khai thác, đánh bắt không theo quy định nhưng thực trạng này khó chấm dứt khi những người mưu sinh trên biển đa số là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Gỡ thẻ vàng IUU: Nỗ lực ở cơ hội cuối- Ảnh 1.

Đợt kiểm tra của EC vào tháng 6.2024 là cơ hội chót để VN gỡ “thẻ vàng” IUU

Q.T

Ở khu vực các tỉnh miền Trung, những ngày cuối tháng 3, các địa phương ven biển vẫn đang nỗ lực quản lý chặt tàu thuyền, tuyên truyền cho ngư dân về việc tuân thủ đánh bắt đúng ngành nghề đăng ký, không đi sai vùng, không vượt ranh giới cho phép. Từ tháng 10.2023 đến nay, tức là sau đợt kiểm tra lần thứ tư của EC, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã tổ chức 3 đoàn công tác vào làm việc tại các tỉnh phía nam để phối hợp quản lý tàu cá; trực tiếp làm việc với 105 chủ tàu, thuyền trưởng có nguy cơ cao vi phạm để yêu cầu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Cơ hội cuối gỡ thẻ vàng IUU

Cùng với đó, tỉnh Bình Định tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp đến tận người dân tại cơ sở, tổ chức đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không vi phạm khai thác IUU.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện địa phương có 3.221/3.244 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình (chiếm 99,3%), còn lại 23 tàu cá bị hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động sản xuất nên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Đối với công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá đều được giám sát và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu giám sát hành trình, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác. Từ đầu năm 2024 đến nay đã xác nhận 67 hồ sơ cho 1.708 tấn, chứng nhận 118 hồ sơ cho 1.442 tấn cá các loại; đảm bảo đúng quy trình, không có lô hàng nào đã chứng nhận bị trả về.

Tại tỉnh Quảng Trị, tổng số tàu cá toàn tỉnh tính đến cuối tháng 3.2024 là 2.666 chiếc, trong đó số tàu cá đã được thống kê, tổng hợp nhưng chưa được đăng ký là 380 chiếc. Trong thời gian gần đây, chỉ duy nhất 1 tàu cá vi phạm với lý do thiếu sổ danh bạ thuyền viên theo quy định, đã bị xử phạt 5 triệu đồng. Với nỗ lực khắc phục "thẻ vàng" IUU, trong 3 năm qua, tại Quảng Trị không có tàu cá nào có chiều dài từ 15 m trở lên vi phạm vùng biển nước ngoài; tỷ lệ đăng ký đăng kiểm tàu cá, cấp phép tàu cá được nâng lên trên 97%; tỷ lệ tàu cá có chiều dài trên 15 m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 95,8%; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá vào hệ thống VNFishbase quốc gia đạt 100%...

Gỡ thẻ vàng IUU: Nỗ lực ở cơ hội cuối- Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tiến hành tuyên truyền các quy định pháp luật cho ngư dân khi khai thác trên biển

NGUYỄN LONG

Tại Quảng Ngãi, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền trong đợt cao điểm từ nay đến hết tháng 4.2024; kiểm soát chặt chẽ tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); không cho tàu cá đi khai thác thủy sản nếu không đầy đủ các giấy tờ liên quan, không để sót trường hợp vi phạm; không nhân nhượng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý ở mức cao nhất theo quy định.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Dự kiến tháng 6.2024, đoàn thanh tra của EC sẽ tiếp tục đến VN để thanh tra lần thứ 5 và đây là cơ hội quyết định để chúng ta gỡ "thẻ vàng" khai thác thủy sản. Trong lần kiểm tra vào tháng 10.2023, EC rất quan ngại đối với vấn đề kiểm soát tàu cá, đặc biệt là tàu cá

"3 không". Nếu lần này VN chưa gỡ được "thẻ vàng" IUU là kể như mất cơ hội. Thậm chí nếu vẫn còn tình trạng vi phạm dưới nhiều hình thức, sản phẩm thủy sản VN sẽ bị rút "thẻ đỏ", bị cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu. Điều này gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành thủy sản, hoạt động xuất khẩu, không thể nâng cao giá trị thủy sản, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người dân ven biển cả nước.

Tình hình này bắt buộc các địa phương phải nỗ lực quản lý với nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa. UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quy định tiêu chí đặc thù về đóng mới, hoán cải, thuê, mua tàu cá trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay đến hết năm 2024, Kiên Giang sẽ không cấp phép đóng mới tàu cá. Từ ngày 1.1.2025 trở đi, tỉnh chỉ cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá cho tổ chức, cá nhân khi đáp ứng điều kiện như: máy chính phải là máy thủy mới 100%, đơn vị được cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá chưa có tàu cá bị đưa vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Nhằm hỗ trợ tàu cá khai thác thủy sản trên biển thuận lợi, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Tổ kiểm tra, kiểm soát về chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp và phân công tổ trực giám sát 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần để theo dõi tàu cá hoạt động khai thác trên biển. Các trường hợp mất kết nối đều được thông báo nhanh đến chủ tàu, kịp thời khắc phục. Các trường hợp mất kết nối dài ngày đối với các tàu nằm bờ, lực lượng chức năng sẽ cử cán bộ đến làm việc xác định vị trí neo đậu để phối hợp quản lý. Qua theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá, từ đầu năm 2024 đến nay không có tàu cá của tỉnh Sóc Trăng vượt ranh giới ra hoạt động ở vùng biển nước ngoài.

Nhận xét về chuyển biến ở các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá công tác triển khai các hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đang có các chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, cần phải khẩn trương khắc phục những tồn tại. Đặc biệt là công tác xử lý vi phạm hành chính những tàu cá vi phạm, phải xử lý nghiêm với mức phạt tối đa, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt phải dựa trên nhật ký khai thác nhưng nhật ký của chúng ta vẫn chưa chặt chẽ, chưa sát. Các địa phương phải quán triệt ngư dân tuân thủ việc ghi chép nhật ký hành trình, không thể thực hiện theo kiểu "hồi ký" để đối phó, phải làm chuẩn mực. Khi đoàn thanh tra EC sang đây kiểm tra là họ đã có hồ sơ đầy đủ, mình không thể "cãi chày cãi cối" với họ được.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.