'Gõ từng nhà' ngư dân để chống khai thác IUU

11/03/2024 08:35 GMT+7

Tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công điện yêu cầu cán bộ "gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động, răn đe, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tàu cá rời cảng mà không đảm bảo quy định.

Cần đồng bộ giữa các địa phương

Tỉnh Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đang quyết liệt khắc phục các tồn tại, hạn chế để cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu trong khai thác hải sản.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, kết quả giám sát tàu phục vụ chống khai thác IUU của Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Thanh Hóa từ ngày 27.2 - 9.3 tại 3 cảng cá chỉ định (cảng cá Hòa Lộc, H.Hậu Lộc; cảng cá Lạch Hới, TP.Sầm Sơn; và cảng cá Lạch Bạng, TX.Nghi Sơn) đều cho thấy dấu hiệu bất thường khi số tàu cập cảng so với số tàu rời cảng quá chênh lệch.

Cụ thể, trong khoảng thời gian trên, tại 3 cảng cá chỉ định có tổng cộng 152 tàu đủ điều kiện và đã rời cảng đi đánh bắt hải sản, tuy nhiên sau đó chỉ có 25 tàu cập cảng để bốc dỡ hải sản, với tổng sản lượng gần 34 tấn. Cá biệt, tại cảng cá Lạch Bạng, từ ngày 27.2 - 9.3 có tổng cộng 77 tàu đủ điều kiện rời cảng nhưng chỉ duy nhất 1 tàu cập cảng (tàu của tỉnh Nam Định) bốc dỡ hải sản với sản lượng chưa đầy nửa tấn. Còn tại cảng Lạch Hới, số tàu đủ điều kiện và đã rời cảng đi đánh bắt là 28 tàu, nhưng chỉ có 4 tàu cập cảng bốc dỡ hải sản, với sản lượng 5,7 tấn.

Ông Lê Văn Sáng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Thanh Hóa - Tổ trưởng Tổ kiểm soát sản lượng tại các cảng cá chỉ định, cho biết qua theo dõi thời gian qua có dấu hiệu nhiều tàu cá của tỉnh Thanh Hóa dịch chuyển vào các tỉnh miền Trung để cập cảng, và có dấu hiệu bốc dỡ hải sản ở nơi không được phép. "Do có nhiều tàu di chuyển vào các tỉnh miền Trung cập cảng và bốc dỡ hải sản, nên việc kiểm soát bốc dỡ hải sản nếu chỉ mình tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm ngặt thì chưa đủ, phải tất cả các tỉnh có biển đều quyết liệt, thì dù tàu cá không vào cảng chỉ định ở tỉnh này nhưng khi vào các tỉnh khác cũng được kiểm soát đúng quy trình, quy định", ông Sáng cho hay.

'Gõ từng nhà' ngư dân để chống khai thác IUU- Ảnh 1.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị, địa phương quyết liệt chống khai thác IUU

Minh Hải

Xử lý trách nhiệm

Để quyết liệt chống khai thác IUU, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ, các giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu gắn trách nhiệm chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã trong kiểm soát tàu cá; yêu cầu các xã phân công cán bộ phụ trách ngư nghiệp đến từng hộ, từng chủ tàu cá để tuyên truyền, vận động, răn đe, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu đưa tàu hoặc ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Yêu cầu Chi cục Thủy sản Thanh Hóa tổ chức lực lượng xuống các địa phương, cảng cá, khu neo đậu để hỗ trợ chủ tàu cá thực hiện các thủ tục, hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm… theo đúng quy định.

Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của cả nước. Đồng thời, kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU.

Để xác định rõ trách nhiệm, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác chống khai thác IUU, từ đó có cơ sở để xử lý trách nhiệm, đồng thời đề ra giải pháp cụ thể giải quyết các tồn tại trong chống khai thác IUU trong tháng 3.

Với việc kiểm soát tàu cá ra vào các cảng cá, cửa lạch, bến cá, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp các đơn vị liên quan thành lập ngay các tổ công tác kiểm soát tàu cá; và tổ rà soát tàu cá "3 không", tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS). Lực lượng các tổ phải hoạt động 24/24 giờ, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi hoạt động sản xuất khi không đủ điều kiện về thủ tục, hồ sơ, thiết bị VMS.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở NN-PTNT cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa, UBND các đơn vị cấp huyện ven biển thành lập Đoàn công tác, thành phần là lãnh đạo các đơn vị, để tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.

Về sản lượng hải sản đánh bắt, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải theo dõi, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại các cảng cá chỉ định, thu, nộp nhật ký khai thác đảm bảo chất lượng, có sự kiểm tra, đối soát với dữ liệu VMS.

Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu kiên quyết không cho tàu ra khơi đi khai thác khi chưa đủ thủ tục giấy tờ, kết nối VMS… và xử lý theo quy định khi phát hiện vi phạm. Trường hợp nếu để xảy ra tình trạng tàu cá trên địa bàn tỉnh ra khơi không đảm bảo quy định, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "thẻ vàng" thì kiểm điểm, xử lý tổ chức cá nhân để xảy ra vi phạm.

Đối với 6 địa phương ven biển (H.Nga Sơn, H.Hậu Lộc, H.Hoằng Hóa, H.Quảng Xương, TX.Nghi Sơn, và TP.Sầm Sơn), UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu hoàn thành 100% việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, thống kê tàu cá, giám sát sản lượng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m. Nếu không hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước quy định của pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.