1. Đó là khi cái rét đã dịu ngọt hơn, mưa lây phây rắc bụi, chị tôi về chợ về với rất nhiều thứ trong đôi quang gánh. Những thứ được đổi từ sản vật ngoài vườn.
Chị xòe ra những tờ ngũ sắc, có hình táo quân, bảo tôi dán lên gian bếp nhỏ. Những chú tò he cho mấy đứa cháu đang ngồi chồm hổm chờ đợi, chị đưa ra là chúng cầm lấy ù té chạy khoe khoắng ríu rít.
Còn lại, với những món dành cho mâm cỗ tất niên, chị trịnh trọng cùng tôi sắp vào những chiếc mẹt, treo lên bằng chiếc gióng mây đã lên nước đen nhánh. Chúng cứ đong đưa nơi ấy, cho đến lúc hạ xuống để chị ra tay chế biến thành những món cổ truyền.
tin liên quan
Leo nhà sàn, ăn thịt gác bếp giữa lòng Thủ đôSáng 22.11, khung cảnh của phiên chợ vùng cao đã được tái hiện ngay giữa Thủ đô Hà Nội với những hoạt động thú vị như cảnh xuống chợ, bán vải, gùi hàng, bán hàng nông sản, ẩm thực thắng cố...
... Này đây, mấy bát đường đen để đúc bánh in, bánh cốm; mớ măng khô để dành cho nồi xáo với chú vịt cỏ đang tung tăng nhặt giun ngoài vườn; những thứ để kèm ninh giò; đậu xanh đậu đen để làm bánh, nấu chè cúng giao thừa. Thôi thì đủ thứ, mà tôi biết để xong buổi chợ tết, chị phải về muộn hơn mọi ngày!
Có một buổi sáng, khi đã qua tiết đông chí, ba tôi sai tôi đi bộ xuống hiệu sách gần chợ huyện để mua mấy tờ câu đối, đôi bức tranh cá vàng và mấy bức mai lan cúc trúc dán cho vui cửa vui nhà. Hầu như vào những năm 1970 - 1980, nhà nào ở quê cũng sắm sửa mấy thứ này, để ngày xuân sặc sỡ rộn ràng.
Chị tôi, bắt đầu với công đoạn rang cốm. Những vốc nếp thơm, được cắt từ đồng về khi chưa chín tới, sẽ được hấp rồi phơi hoặc sấy thật khô từ hơn tháng trước, đem chà cho vỏ nếp rã và sảy lại thành những nắm cốm dẹp màu xanh như lá, đem đổ vào chảo nóng, dậy lên nồng nàn hương của ngày mùa.
Rang xong, cốm nở bung trắng một màu ngà, chị tôi thắng nước đường, bỏ thêm chút gừng, trộn nhẹ và bỏ vào khuôn đúc thành những chiếc bánh cốm vuông vức...
2. Khi mấy mẻ bánh cốm đã hoàn tất, ba tôi mới ra tay làm chè xanh “3 trong 1”. Những gốc sim già được phơi khô, rực hồng dưới đáy chiếc nồi. Cách làm loại cao chè xanh này ba tôi được truyền từ đời ông nội. Đó là ra vườn chè, chọn hái lấy những lá chè già, một ít nhánh thân chè để nấu mới đậm đà hương vị.
Vò sơ lá chè, bỏ vào nồi và đun mải miết. Khi nước cạn đến lưng nồi, bỏ vào đó vài bát đường bánh và củ gừng tươi giã nhỏ. Đun khoảng một đêm, cứ tiếp nước và đến lúc nước trong nồi đặc quánh sền sệt, lấy tàu chuối phơi héo nhúng vào nồi và quết thật dày lên những tấm giấy bổi (loại giấy khá dai mà các cụ ngày xưa thường dùng để viết chữ Hán).
Sau đó đem phơi nắng và hứng một đêm sương cho cao chè dịu lại. Đoạn, lấy dao cắt tiện thành từng miếng tròn nhỏ cỡ đồng chinh, đục lỗ và lấy lạt tre xâu để dùng dần.
Sở dĩ nhắc đến củi sim là vì loại gốc hoặc cây sim bạt ngàn trên đồi quê là thứ cháy rất đượm. Đêm mùa đông, cứ đẩy vài gốc sim khô vào bếp, là có thể rực hồng ấm cả gian mái tranh đến sáng. Vì lẽ đó, khoảng chục gốc sim là có thể nấu một nồi cao chè xanh sùng sục suốt đêm.
Thú uống loại cao chè xanh này cũng khá lịch lãm. Chiếc cốc nhỏ, tráng sơ qua nước sôi, bỏ vào đó 1 hoặc 2 miếng cao chè, tùy ý thích người uống muốn đậm hay nhạt, rồi rót nước sôi vào. Thế là có một cốc chè xanh nóng ấm, có vị ngọt của đường, vị gừng cay cay và vị chát của chè xanh đặc trưng, khó lẫn vào đâu được.
Mùa gió bấc lây phây, mấy vị hào lão trong làng đi chúc tết, bước vào nhà có ngay cốc chè xanh nóng, khum khum ôm lấy trong lòng bàn tay vừa xuýt xoa vì rét, vừa nhấm nháp vị cay nóng từ từ chảy vào cơ thể, tuyệt không gì bằng.
3. Buổi ấy, những chiều cận tết, bếp lửa nhà nào cũng rộn ràng. Tôi ngồi bên ông anh cả, tập tành đúc những chiếc bánh in. Nồi nước đường thắng đặc quánh reo sôi trên bếp. Bột nếp trộn với bột đậu xanh, rưới nước đường lên rồi để nguội, hai tay đều đặn nhào bột và cho vào những chiếc khuôn đúc bánh in bằng đồng, bằng gỗ. Lèn chặt bột vào khuôn, rồi gõ nhẹ vào chiếc mâm đặt sẵn.
Từng chiếc bánh in trên mặt có đủ thứ hình hoa lá, cây trái, rồng phượng rơi xuống chiếc mâm. Đem phơi sương một đêm rồi phơi nắng cho đến lúc khô cứng lại. Những chiếc bánh được gói vào giấy kiếng đủ màu sặc sỡ, chưng trên bàn thờ trong 3 ngày tết hay làm quà cho con trẻ. Bấy nhiêu thôi cũng đủ đuổi theo trí nhớ suốt một đời!
Bình luận (0)