1. Hầu như vào mọi chiều thứ sáu, tôi đều leo lên một chiếc xe công cộng đi lang thang khắp thành phố. Tôi chọn đi buýt, bởi khi không chịu áp lực điều khiển xe, chẳng phải sẽ có nhiều thời gian quan sát cảnh vật qua kính xe, hoặc lúc đi bộ có thể cảm nhận chân thật hơn vẻ đẹp của thành phố hay sao?
Sáng dậy sớm đi làm đã xỏ sẵn giày thể thao, chỉ ngóng nhanh đến chiều tan ca nên phải nói trong lòng tôi háo hức vô cùng. Tôi xuống từ điểm dừng gần lối vào Văn Miếu và bắt đầu hành trình đi bộ ngó nghiêng khắp ngóc ngách Hà Nội.
Đi dọc đường Hoàng Diệu tới phố Bắc Sơn để ngắm hoa ban mùa này nở trắng hai bên đường, rồi lại băng qua cả Phan Đình Phùng đồ sộ hàng cây cổ thụ. Cứ thế tôi đi, đâm toạc thành phố trên đôi chân quen chạy bộ, vì lẽ yêu đời mà quên cả mỏi mệt. Tới cầu rồi. Cầu Long Biên huyền thoại trong lòng tôi, và trong lòng bao thế hệ khác nữa.
Đứng dưới chân cầu đợi vãn dòng xe cộ đi xiên xẹo không theo làn, “A, hóa ra là thế”, tôi rít khe khẽ trong cổ họng chỉ đủ mình nghe thấy khi nhìn ngắm xung quanh. Cách vài mét đường, bên kia là phố cổ nhộn nhịp, còn phía bên này là những thanh cầu sắt hoen rỉ bởi sự tàn nhẫn của thời gian. Như hai mảng màu của bức vẽ sơn dầu, mỗi vùng sáng, tối lại mang một nét quyến rũ đặc biệt. Có lẽ, không riêng gì tôi, cũng có rất nhiều người thương mến một góc quê bình dị ở giữa lòng thủ đô lúc nào cũng đông đúc người và ồn ã.
Tôi bước đi chậm rãi, men theo phần đường nhỏ hẹp dành cho người đi bộ để tránh xe máy dưới lòng đường đang chen chúc trên chiếc cầu già nua, cũ kỹ đứng đó đã nghìn năm lịch sử, chứng kiến mọi nỗi buồn vui của bao thế hệ người. Đợi khi hoàng hôn buông xuống, cũng là lúc đẹp nhất để đứng ngắm cảnh trên cầu, tôi lấy chiếc điện thoại đã sạc đầy pin từ sau ba lô ra để chụp lại những khoảnh khắc quý giá hiện ra trước mặt.
|
2. Từ góc đường tàu chạy qua, cho đến những áng mây phớt hồng trên đầu và cả những gợn sóng lấp lánh dưới chân chiếc cầu cũ đều được lưu lại trong chiếc di động nhỏ bằng bàn tay. Cũng có những phút tôi muốn đứng lặng im, lắng nghe hơi thở của đất trời, xa xăm, mênh mang mà trầm lặng.
Đầu cầu phía giáp thành phố là ga tàu cho người đi chợ lên xuống. Mỗi lần tàu vào ga lại nghe tiếng còi hú và những bánh chạy sình sịch mà trong lòng, nỗi thương nhớ cứ dâng lên đầy vơi. Tôi như cô bé Liên trong truyện Hai đứa trẻ, đếm những đêm tăm tối ngóng đợi đoàn tàu chạy qua để tạm quên đi cái nghèo, cái đói thuở bấy giờ.
Tôi quá trẻ để thấm thía những đói khổ thời cha ông, chỉ nghe thuật lại qua truyền miệng, sách báo, qua những chương trình phát thanh ở huyện xã vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô hay Ngày thương binh - liệt sĩ. Nghĩ lại thời đã xa, vừa đưa tay lên ray phần sống mũi thấy hình như mắt mũi đã cay xè.
Đợi khi đêm xuống, đứng trên cầu nghe xóm chợ bên dưới nhộn nhịp mua bán. Hà Nội sống về đêm, cầu Long Biên cũng trằn trọc không ngủ. Vịn tay trên thành cầu, bao cặp trai gái đứng tự tình bên nhau, ngắm nhìn thành phố qua những cây cầu xa tít tắp, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui và đợi chuyến tàu đêm.
Nhắc đến tàu hỏa trên cầu Long Biên, cũng không sao nói hết những chiều tắc đường nên tới trễ, chỉ kịp thấy bóng tàu chạy vụt qua. Tôi cứ đứng ngẩn ngơ nhìn theo sau đuôi tàu lạnh lùng khuất bóng mà trong lòng tiếc hùi hụi. Lại hẹn một chuyến tàu sau cách chừng vài giờ đồng hồ.
3. Nếu được hỏi ở đâu bán chuối cả buồng, râu ngô cả bao tải thì tôi chắc chắn sẽ giới thiệu ra đây. Có lúc vì quá đắm say vẻ bình dị của cây cầu, của những rặng chuối phía dưới chạy dài ra sát mép sông Hồng mà tôi đã ao ước: sau này về già, khi tóc bạc phai sương, đồi mồi lấm tấm trên má, tay và cả ống đồng dưới chân, lưng còng rạp, tôi sẽ là bà lão bán chuối và râu ngô phúc hậu nhất cây cầu lịch sử.
Hôm nay trời báo gió mùa về, nghĩ đến thôi lòng vừa tái tê lại vừa nao nức. Ước gì buổi tối có ai đó tình nguyện chở đi dạo lòng vòng quanh thành phố, kiểu gì cũng nũng nịu đòi đưa lên cầu Long Biên gặm một bắp ngô nướng, ngồi huơ huơ tay dưới những đốm than hồng, thỉnh thoảng nhìn tàn lửa bay theo gió trời xa xăm...
|
Bình luận (0)