Khu trung tâm TP.Đà Lạt được hình thành khoảng thập niên 1920. Ban đầu nơi đây có khu chợ gọi là chợ Cây (bị cháy năm 1931). Năm 1934, một ngôi chợ kiên cố hơn (dài 16 m, rộng 15 m) có tháp khối chữ nhật giật cấp được xây lại tại đây. Mặt tiền chợ có huy hiệu tròn, tạc đôi nam nữ người dân tộc bản địa (nữ mang gùi, nam cầm giáo) cùng hàng chữ La tinh (chiết tự thành DALAT): Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem (nghĩa là cho người này niềm vui, cho người khác sự mát mẻ). Nhà hàng, cửa hiệu buôn bán của người Việt, Hoa, Pháp, Ấn Độ phát triển nhanh chóng trên các trục đường quanh chợ.
Năm 1953, quảng trường Chợ (Place du Marché) đổi tên thành khu Hòa Bình. Năm 1955, tại đây đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý truất phế quốc trưởng Bảo Đại do thủ tướng lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm phát động.
Năm 1960, chợ Mới Đà Lạt hoàn thành do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế. Chợ Cây được sửa thành rạp chiếu bóng Hòa Bình.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên cho biết: "Ông Thụ không đập bỏ chợ cũ mà mở một cầu dẫn nối chợ cũ với chợ mới, tạo sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Thập niên 1960 đến 1990 vẫn còn hình ảnh ngôi chợ cũ bên chợ mới, hậu cảnh là ngọn đồi thông như một thành phố trong rừng".
Năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình gây nhiều tranh cãi. Ngày 8.9, Lâm Đồng loại dinh Tỉnh trưởng (thuộc khu Hòa Bình) ra khỏi nhóm bảo tồn nghiêm ngặt. Theo đó, hai công trình "biểu tượng" của Đà Lạt là rạp Hòa Bình và dinh Tỉnh trưởng có thể sẽ mất đi hoặc biến đổi bản chất.
Bình luận (0)