Sự việc gây chú ý dư luận trong thời gian qua là số phận của Dinh Tỉnh trưởng cũ Đà Lạt (số 1 Lý Tự Trọng, P.1, TP.Đà Lạt) có còn trong nhóm 1 hay không đã đi đến hồi kết, khi UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức có quyết định ban hành quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.Đà Lạt (Quyết định số 53/2023/QĐ-UBND ngày 6.9.2023). Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22.9 và thay thế Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.Đà Lạt.
Theo quy định tại Quyết định số 53, quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.Đà Lạt có tổng cộng 166 biệt thự, chia làm 3 nhóm: nhóm 1 có 3 biệt thự, nhóm
2 có 69 biệt thự và nhóm 3 có 94 biệt thự. Đáng nói, theo quyết định này, nhóm 1 (là biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và có giá trị lịch sử, văn hóa) chỉ còn Dinh I, Dinh III (đều là Dinh Bảo Đại cũ) và Dinh II (Dinh Toàn quyền Đông Dương cũ), còn Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt cũ cùng với Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ (nay là cung Nam Phương hoàng hậu ở Bảo tàng Lâm Đồng) đã không còn nằm trong nhóm 1 mà rơi xuống nhóm 2, điều chưa từng xảy ra trong suốt hơn 10 năm qua.
Tại Quyết định số 47/2017 xác định biệt thự nhóm 1 là những biệt thự có giá trị về lịch sử, văn hóa; có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan; còn bền vững về kết cấu chính. Việc quản lý, sử dụng "không làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự".
Trong khi đó, tại Quyết định số 53 quy định việc cải tạo nhà biệt thự được thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở, xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, quản lý di sản văn hóa, các quy định khác có liên quan. Cụ thể: "Đối với nhà biệt thự nhóm 1, khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao; đối với nhà biệt thự nhóm 2, khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài… Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt…".
Trước đó, Báo Thanh Niên đã thông tin, tháng 2.2019, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình
(TP.Đà Lạt). Tại quyết định này, khu vực đồi Dinh (4,43 ha) có chức năng là khu thương mại, dịch vụ cao cấp; dự kiến xây dựng công trình cao 10 tầng tạo điểm nhấn phù hợp với cảnh quan khu vực.
Sau đó, từ ngày 14.8 - 14.9.2020, Sở Xây dựng Lâm Đồng và UBND TP.Đà Lạt phối hợp trưng bày, lấy ý kiến về 3 phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ. Phương án Hotel du Printemps (đưa Dinh Tỉnh trưởng lên cao 28 m và phía dưới là tổ hợp khách sạn - PV) của kiến trúc sư Thierry Van de Winagaert được lựa chọn. Tuy nhiên, cả 3 phương án vấp phải sự không đồng tình của nhiều kiến trúc sư trong nước. Họ cho rằng những phương án này xa lạ với Đà Lạt và Dinh Tỉnh trưởng cũ cùng đồi Dinh là "viên ngọc quý" cần bảo tồn, gìn giữ.
Tháng 10.2021, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, tập hợp hồ sơ, tài liệu kiến trúc, quy mô, diện tích xây dựng của các biệt thự, tổ chức phân loại, đánh giá cụ thể về giá trị kiến trúc, chất lượng công trình của từng biệt thự để xây dựng quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, với nguyên tắc "bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn", khai thác phù hợp và có hiệu quả quỹ đất hiện có.
Bình luận (0)