Đến nay, TP.Đà Lạt trải qua 130 năm hình thành và phát triển, thì Dinh tỉnh trưởng cũ cũng đã được hơn 110 năm tuổi và Dinh này có thể được xem là đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố hoa thơ mộng này.
Dinh nằm trên đường Lý Tự Trọng (P.1, TP.Đà Lạt) và tính theo đường chim bay, Dinh thự này chỉ cách chợ Đà Lạt chừng trên dưới 200 m.
Dinh thự là khối công trình đồ sộ, có 2 tầng, tọa lạc trên ngọn đồi khoảng 3,6 ha ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Do đây từng là nơi ở của gia đình Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức trước kia nên người dân địa phương vẫn quen gọi dinh này là Dinh tỉnh trưởng.
Theo tác giả Lê Phỉ trong sách Đà Lạt xưa của Tạp chí Xưa và Nay do NXB Văn hóa Sài Gòn phát hành năm 2008, thì đây là một kiến trúc khối có 4 cửa, cửa chính có bậc thang lên từ 2 bên. "Thường các Dinh Công sứ đều có mái hắt đưa ra có trụ chống để xe vào dừng ngay trước cửa. Ở Dinh thị trưởng xe đến dừng trước cửa nhưng khách phải lên bậc thềm vì ở dưới có tầng hầm. Các nhà Pháp thường có tầng hầm, vừa là hầm rượu, hầm dự trữ, kho, nhà bồi".
Cũng theo tác giả Lê Phỉ, vì các Công sứ, Thị trưởng có văn phòng riêng nên nhà này chỉ là nhà ở. Tầng trên cửa sổ mở ra 4 phía: phía nam nhìn xuống khu chợ và khu người Việt; phía bắc nhìn lên hướng núi Lang Biang, phía đông nhìn xuống hồ, phía tây nhìn sang đồi ấp Mỹ Lộc hiện nay. Đây là một loại biệt thự lớn, mái lợp ngói đỏ, tường xây bê tông cốt sắt. Nhà bếp và nhà bồi ở phía sau. Cửa vào ngã sau dành cho gia đình cũng có lối lên và xuống dành cho xe hơi. Lối bên phải vào tầng hầm, lối bên trái cũng vào tầng hầm.
Như Thanh Niên đã thông tin, vào tháng 3.2019, khi tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt). Đặc biệt từ ngày 14.8 – 14.9.2020, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến người dân về 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng, sau đó phương án Hotel du Printemps của KTS Thierry Van de Winagaert được lựa chọn (đưa Dinh tỉnh trưởng lên cao 28 m và phía dưới là tổ hợp khách sạn - PV), thì công trình Dinh tỉnh trưởng này lại thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và các nhà chuyên môn, KTS trong nước. Nhiều người đã lo ngại rằng, nếu thực hiện theo các phương án này thì Dinh tỉnh trưởng sẽ đánh mất giá trị và khu rừng cây cổ thụ ở đồi Dinh, mảng xanh duy nhất ở khu trung tâm Hòa Bình cũng sẽ không còn.
Theo KTS Lê Quang Ngọc, Dinh tỉnh trưởng đẹp một cách kỳ lạ với những cây cổ thụ cỡ vài trăm năm tuổi và được bố trí một cách rất khoa học, bài bản. Bản chất Dinh tỉnh trưởng này là cả một khuôn viên, nó là viên ngọc quý của Đà Lạt.
Từ đây chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ TP.Đà Lạt 360 độ, quả thật là một công trình rất là quý hiếm. "Với kiến trúc này, tôi nghĩ rằng đây là kiến trúc với tay nghề rất là cao, kể cả về mặt nghệ thuật bố trí kiến trúc, rồi tạo mảng khối, sự giản dị, sự trau chuốt, rồi các sự kết hợp của nó về công năng đạt đến một trình độ rất cao. Và chúng ta có thể nhìn nó ở mọi góc độ đều thấy cái gì đó gần gũi, dễ thương và có rất nhiều điểm có thể học tập được. Tôi thấy rất là tiếc, nếu như công trình này không còn nữa.", KTS Ngọc nhìn nhận.
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi các Phó chủ tịch và các Ủy viên UBND tỉnh để xin ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.Đà Lạt thay thế Quyết định số 47/2017 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.Đà Lạt).
Theo dự thảo này, Dinh tỉnh trưởng cũ không còn trong nhóm 1 - là nhóm các biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc (theo Quyết định số 47/2017) mà đã rơi xuống nhóm 2. Tiếp tục "số phận" của Dinh tỉnh trưởng cũ lại được dư luận quan tâm.
Bình luận (0)