Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản số 268/VP-XD gửi các phó chủ tịch và các ủy viên UBND tỉnh để xin ý kiến về dự thảo Quyết định quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) trên địa bàn TP.Đà Lạt thay thế Quyết định số 47/2017 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh ban hành quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt.
Theo dự thảo quyết định, cũng như trong Quyết định 47/2017, quỹ biệt thự sẽ được phân làm 3 nhóm (1, 2, 3), nhưng có điểm khác biệt là nhóm 1 chỉ có 3 biệt thự (Dinh I, Dinh II, Dinh III), còn Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ và Dinh Tỉnh trưởng cũ đã rơi xuống nhóm 2.
Quyết định 47/2017 quy định biệt thự nhóm 1 là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc (5 biệt thự). Biệt thự nhóm 2 là những biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa (74 biệt thự). Biệt thự nhóm 3 là những biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 (83 biệt thự). Các loại biệt thự phải bảo tồn theo quy định này gồm các biệt thự nhóm 1 và nhóm 2.
Tuy nhiên, theo quy định tại dự thảo quyết định mới thì nhóm 1 gồm biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa (3 biệt thự); nhóm 2 gồm biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa (72 biệt thự); nhóm 3 gồm 91 biệt thự.
Cũng theo dự thảo: "Biệt thự nhóm 1 khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Đối với biệt thự nhóm 2, khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Không được phá dỡ nhà biệt thự nhóm 1, 2 nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự cũ hoặc đảm bảo phù hợp quy hoạch chi tiết của khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…".
Trước đó, Thanh Niên đã thông tin trong 1 tháng (từ 14.8 - 14.9.2020), Sở Xây dựng Lâm Đồng và UBND TP.Đà Lạt phối hợp trưng bày, lấy ý kiến về 3 phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng (P.1, TP.Đà Lạt). Sau đó phương án Hotel du Printemps (đưa Dinh Tỉnh trưởng lên cao 28 m và phía dưới là tổ hợp khách sạn - PV) của kiến trúc sư Thierry Van de Winagaert được lựa chọn. Tuy nhiên, cả ba phương án vấp phải sự không đồng tình của nhiều kiến trúc sư trong nước, họ cho rằng xa lạ với Đà Lạt và Dinh Tỉnh trưởng (cũ) cùng đồi Dinh là "viên ngọc quý" cần bảo tồn, gìn giữ.
Đến tháng 10.2021, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP.Đà Lạt rà soát, tập hợp hồ sơ, tài liệu kiến trúc, quy mô, diện tích xây dựng của các biệt thự để tổ chức phân loại, đánh giá cụ thể về giá trị kiến trúc, chất lượng công trình của từng biệt thự. Trên cơ sở đó xây dựng quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc SHNN phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, với nguyên tắc "bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn", khai thác phù hợp và có hiệu quả quỹ đất hiện có.
Bình luận (0)