Nâng cao 28m, Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt không thể giữ giá trị di sản nguyên bản

01/11/2021 06:17 GMT+7

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức có văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị có ý kiến bằng văn bản về 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu Hòa Bình (TP.Đà Lạt).

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, phương án được đa số các ý kiến đồng thuận, lựa chọn cũng như đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của kiến trúc sư (KTS) Thierry Van de Winagaert (phương án 1). “Công trình được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới (nâng cao 28 m - PV), mở cửa cho mọi người; bên cạnh đó còn mang đến cho người dân thêm các trải nghiệm tiện ích hiện đại từ dịch vụ khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ (tổ hợp khách sạn 10 tầng - PV) đến việc tham quan không gian, cảnh quan đặc sắc. Nét đặc biệt của phương án đã tạo được sự kết hợp giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại; hồi sinh khu vực trung tâm TP.Đà Lạt, phù hợp với bối cảnh và nhu cầu phát triển mới”, văn bản tỉnh Lâm Đồng nêu.

Khu vực đồi Dinh là nơi còn sót lại mảng xanh duy nhất ở trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt (trên); Mô hình phương án 1: Dinh Tỉnh trưởng sẽ nâng lên 28 m, phía dưới là tổ hợp khách sạn

Gia Bình

Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 14.8 - 14.9.2020, Sở Xây dựng Lâm Đồng và UBND TP.Đà Lạt phối hợp tổ chức trưng bày, lấy ý kiến 3 phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt do các KTS Thierry Van de Winagaert (tư vấn Escape Architecture International), KTS Hồ Thiệu Trị (tư vấn HTT), KTS Salvador Perez Arroyo (tư vấn SDesign) sáng tác.

Ngày 15.9.2020, Hội KTS VN có gửi văn bản đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng có ý kiến về 3 phương án xây dựng khách sạn tại đồi Dinh Tỉnh trưởng này. “Vì mục đích trân trọng, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên để xây dựng thành phố di sản Đà Lạt, Hội KTS VN đề nghị UBND tỉnh và Sở Xây dựng Lâm Đồng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, KTS trong cả nước và không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh Tỉnh trưởng ở TP.Đà Lạt”, văn bản của Hội KTS VN nêu.

Trao đổi với Thanh Niên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay đồi Dinh Tỉnh trưởng mà làm dự án địa ốc thì không phù hợp, ảnh hưởng lớn đến vấn đề bản sắc và giữ gìn di sản cho Đà Lạt. Phương án tỉnh Lâm Đồng đang chọn là phương án kém khả thi nhất, bởi KTS dùng cách diễn họa một phía mặt tiền để cho người ta hiểu lầm rằng sẽ có một khu đồi xanh ở trên cao, nhưng bản thân nó là một khách sạn 10 tầng.

“Việc nói đưa dinh lên 28 m và “giữ nguyên vẹn”, chỉ là một cách KTS nói cho qua chuyện để được thông qua việc phá dỡ, rồi mới tính sau, bởi bản thân kết cấu dinh này không phải là nhà rường, để có thể tháo ra, sau đó ráp lại như cũ. Thể loại kết cấu gạch, bê tông của Dinh Tỉnh trưởng đã xưa cũ, chỉ nên chỉnh trang tại chỗ, chứ không thể “nâng cao” theo kiểu bê nguyên công trình dời chỗ khác, sau đó “nhấc” toàn bộ đưa lên cao

28 m mà vẫn đảm bảo được không làm suy suyển bất kỳ chi tiết nào của công trình di sản. Chắc chắn cách này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến công trình di sản này, đến mức sẽ chẳng khác gì việc sẽ đập bỏ Dinh Tỉnh trưởng, rồi “nhái” xây lại một “di sản giả” giống y công trình này. Lúc đó thì chuyện đã rồi, không thể sửa chữa sai lầm nữa”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

KTS Lê Quang Ngọc (hội viên Hội KTS VN) nhìn nhận, cả 3 phương án kiến trúc đồi Dinh đều không có hình bóng Đà Lạt, cách đặt vấn đề rất khiên cưỡng. Theo KTS Lê Quang Ngọc, riêng phương án 1 mà tỉnh Lâm Đồng chọn là “kiến trúc giả”, vì hình khối chữ Y, vây quanh bằng bê tông trống rỗng, không có sự vững chắc, hình thức không đi liền với công năng. Hơn nữa, đưa công trình Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt lên cao 28 m thì người dân đi lên bằng cách nào để tham quan? Chỉ có cách đi bằng thang máy, như vậy đây không thể trở thành nơi công cộng đúng nghĩa được, đó là sự lừa dối. Điều đáng tiếc nữa, với phương án này thì rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở khu vực đồi Dinh sẽ không còn.

KTS Lê Quang Ngọc bày tỏ: “Giả sử nếu phương án 1 này được chính thức chọn, khi xây xong thì đây nhìn sẽ như “con tàu Titanic” khổng lồ, thắp đèn sáng trưng, không còn hình ảnh Đà Lạt về đêm. Nếu thực hiện sẽ “cướp” đi của thế hệ sau một sự nên thơ, lãng mạn của Đà Lạt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.