Ông Nguyễn Hữu Hào trước đây là điền chủ ở Gò Công (Tiền Giang). Vợ ông là bà Lê Thị Bình, con gái của Huyện Sỹ Lê Phát Đạt - người đứng đầu "tứ đại phú hào" của Sài Gòn cuối thế kỷ 19 (nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa). Con gái của ông bà Nguyễn Hữu Hào - Lê Thị Bình là Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. (Biệt điện Nam Phương hoàng hậu, nay là Bảo tàng Lâm Đồng, do ông Nguyễn Hữu Hào xây cho con gái làm của hồi môn).
Những ngày cuối đời, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào sống tại Đà Lạt và mong muốn khi qua đời được chôn cất tại đây. Lăng được khởi xây khi ông Hào qua đời năm 1939 và hoàn thành 4 năm sau đó.
Con gái ông bà thuộc hoàng gia triều Nguyễn nên lăng cũng mang dáng dấp cung đình Huế. Cổng lăng có 4 trụ biểu, trên đỉnh trụ là hình hoa sen và chó ngao cách điệu. Thân trụ biểu có các câu đối do Nam Phương hoàng hậu viết. Lối lên lăng (nhất chính đạo) thẳng một đường với 158 bậc (bậc cuối cùng có hai con sư tử đá hai bên). Mộ của vợ chồng ông Hào được xây bằng đá xanh nguyên khối, chạm trổ nhiều hoa văn. Trong lăng có văn bia tưởng nhớ công dưỡng dục do hai con gái ông bà dựng.
Điều thú vị của công trình là dù hệ mái được làm như kiến trúc chùa truyền thống với "tàu đao lá mái" (góc mái được uốn cong ngược lên) và mái lợp ngói lưu ly, nhưng giữa đỉnh mái lại có cây thánh giá (theo tôn giáo của gia đình ông Nguyễn Hữu Hào).
Bình luận (0)