Là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng tộc nhà Nguyễn, lăng Tự Đức (diện tích gần 12 ha) có hai khu vực chính là tẩm điện (nơi vua làm việc, giải trí, sinh hoạt) và lăng mộ (nơi đặt thi hài vua). Lăng được bố trí theo phong thủy với "tiền án" (bình phong phía trước nhằm chặn khí xấu) là núi Giáng Khiêm, "minh đường tụ thủy" (để tích phúc) là hồ Lưu Khiêm, "hậu chẩm tựa sơn" (làm chỗ dựa vững chắc) là núi Dương Xuân… Vua vốn là người yêu văn thơ nên lăng Tự Đức rất hữu tình, chan hòa với thiên nhiên, có rừng thông, hồ sen, hoa cỏ…
Khoảng 5 vạn phu, lính tham gia xây lăng rất cực khổ, khiến dân chúng ta thán: "Vạn niên là vạn niên nào/Thành xây xương lính, hào đào máu dân" và đứng lên khởi nghĩa. Khởi nghĩa thất bại, vua Tự Đức cũng đổi cách gọi lăng từ Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung (sau khi vua băng hà gọi là Khiêm Lăng).
Trong lăng có gần 50 công trình, trong tên gọi đều có chữ "Khiêm". Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ là nơi vua làm thơ, ngắm hoa; điện Hòa Khiêm là nơi vua làm việc; điện Lương Khiêm là nơi vua nghỉ ngơi (sau để thờ mẹ vua là bà Từ Dũ); Minh Khiêm đường (một trong những nhà hát cổ nhất VN còn tồn tại) là nơi vua xem hát… Khu lăng mộ có Bi Đình (nhà bia) với tấm bia đá nặng 20 tấn khắc bài Khiêm Cung ký của vua Tự Đức, như một tự truyện về cuộc đời mình.
Vua Tự Đức (1829-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vị vua thứ tư của triều đại nhà Nguyễn (kéo dài trong 143 năm từ năm 1802 đến năm 1945). Ông là con trai thứ của vua Thiệu Trị, trị vì được 37 năm (lâu nhất trong 13 đời vua nhà Nguyễn) từ năm 1847 đến 1883.
Bình luận (0)