Góc nhìn phóng viên: Hãy nói và làm để dân tin!

Quế Hà
Quế Hà
15/07/2019 06:33 GMT+7

Báo Thanh Niên những ngày qua liên tục phản ánh các mỏ khai thác cát trái phép lớn hoạt động ở H.Bắc Bình (Bình Thuận).

Theo đó, vụ việc của ông Hồ Công Tồn ở xã Sông Bình chưa giải quyết tới đâu thì lại “lòi” ra các mỏ trái phép khác ở xã Phan Sơn (H.Bắc Bình). Những mỏ cát này do một số người ở nơi khác đến, lợi dụng nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai để làm giàu một cách bất thường. Dĩ nhiên, không đơn giản để họ có một mỏ cát lậu rộng vài héc ta, khai thác quanh năm, thu về tiền tỉ.
Quá trình đi thực tế để phản ánh, không khó để phóng viên ghi nhận các mỏ cát lậu hoạt động náo nhiệt thời gian dài, lượng khoáng sản bị lấy đi rất lớn. Điều đó cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản trái phép mang lại lợi ích kinh tế phi pháp “khủng”, trong khi nhà nước mất đi nguồn thu thuế, địa phương mất đi nguồn tài nguyên khoáng sản một cách vô tội vạ.
Nhưng điều đáng nói là trong khi mỏ cát lậu với xe ben, xe múc chạy rầm rầm chứ đâu phải “cái kim sợi chỉ”, vậy mà lần nào trả lời báo chí, chính quyền cũng nói “không phát hiện”. Cách quản lý địa bàn với câu trả lời “không biết”, “không phát hiện” kiểu như vậy khiến người dân địa phương không còn tin vào chính quyền. Như một nông dân ở Bắc Bình chia sẻ: “Mấy ông có quyền nói, nhưng tin hay không thì dân chúng tôi đều có mắt, có tai”.
Một khía cạnh khác, mỗi lần phóng viên và Báo Thanh Niên phản ánh các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Thuận đều chỉ đạo “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Nhưng nhiều năm qua, các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ì xèo, công khai, thách thức dư luận mà chưa từng có một lãnh đạo huyện nào bị xử lý, kỷ luật. Điều đó cũng phần nào cho người dân và dư luận thấy được cách xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở tỉnh này “nghiêm” đến mức nào!
Hãy nói thật, làm thật để dân tin!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.