Đó là siêu du thuyền Avia của tỉ phú Joe Lewis trên hành trình khám phá dọc sông Mê Kông từ TP.Cần Thơ sang Phnom Penh (Campuchia). Sau chuyến đi ấy, Aviva trở lại Cần Thơ và tôi có dịp ngồi nghe ông Septimiu, thuyền trưởng, kể về những trải nghiệm thú vị.
“Cuộc sống trên sông Mê Kông thật nhộn nhịp, đặc biệt là ban đêm”, Septimiu kể. Nhưng điều khiến ông tò mò nhất lại nằm... dưới đáy sông. “Hình ảnh “siêu âm” lòng sông (từ thiết bị trên du thuyền) cho thấy, đáy sông Mê Kông từ Cần Thơ đến biên giới Campuchia có rất nhiều hang hố, lồi lõm. Tôi chợt nghĩ những hang hố đó có phải là do những sà lan khai thác cát hay không”, vị thuyền trưởng nói và cho biết ông đã gặp rất nhiều phương tiện múc cát trên sông Hậu cả ngày lẫn đêm. “Tôi nghĩ múc cát có thể là một ngành ăn nên làm ra nhanh chóng. Bạn chỉ việc chờ cát trôi từ thượng nguồn về rồi móc lên đem bán, chẳng phải tốn tiền đầu tư”, Septimiu nhún vai.
Một người mới chỉ đến và đi trên con sông đã không khó để nhận ra nghịch lý “cạp cát đã mang lại sự giàu có cho một nhóm nhỏ khai thác, nhưng nó đang báo hại cả đồng bằng châu thổ”. Thế nhưng nghịch lý này vẫn tồn tại nhiều năm nay và đang gây ra những tác hại khôn lường. Khi khai thác cát tạo thành những hố sâu, cát thô và cát trung bình từ thượng nguồn về sẽ bị kẹt lại, không ra được cửa sông, cửa biển bồi đắp như quy luật của tự nhiên. Tình trạng này, cộng với việc mất đi rừng ngập mặn, đã khiến vùng bờ biển bùn từ Bạc Liêu đến Kiên Giang bị sạt lở nghiêm trọng hàng chục ki lô mét mỗi năm.
Tài nguyên rơi vào túi một nhóm nhỏ, còn hậu quả đang đổ lên hàng chục triệu người dân. Nghịch lý này khi nào chấm dứt?!
Bình luận (0)