Chuyện bị án Đoàn Thị Bình Yến (23 tuổi, tạm trú Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đang hưởng án treo, nhưng bị chủ nợ truy đòi, chấp nhận bỏ trốn dù biết bỏ trốn trong thời gian chịu án treo sẽ chuyển thành tù giam, là tình cảnh bi đát khi sa vào tín dụng đen.
Tại Quảng Nam, một cán bộ xã cũng đến công an tự thú chuyện vỡ nợ và lừa đảo, vì biết ở ngoài không yên ổn với chủ nợ, nên xin “được” bắt tạm giam.
Những chuyện “cười ra nước mắt” vừa nêu cho thấy hậu quả kinh hoàng của cho vay nặng lãi.
Không chỉ kiểu cho vay truyền thống, tín dụng đen giờ đây còn xuất hiện núp bóng các ứng dụng (app) cho vay tài chính, những kiểu vay “chỉ 15 phút là có tiền”. Sự dễ dàng “chỉ cần cung cấp đúng giấy tờ, thông tin nhân thân” là được giải ngân đã khiến nhiều người nhẹ dạ đang cần tiền sập bẫy.
Nhiều năm qua, Công an TP.Đà Nẵng có giải pháp khá hiệu quả trong việc trị nạn tín dụng đen, đó là quy trách nhiệm địa phương. Nếu không kiểm soát được địa bàn, để phát hiện người tạm trú cho vay nặng lãi thì lãnh đạo công an xã, phường phải chịu trách nhiệm. Do đó, một số đường dây tín dụng đen ngoại tỉnh manh nha hoạt động tại TP.Đà Nẵng thời gian ngắn đã bị triệt xóa. Tương tự, giải pháp này cũng có thể áp dụng đối với các tổ chức tín dụng đen hoạt động qua mạng.
Từ năm 2019, nhờ giao quyền và trách nhiệm cho công an xã phường, Công an TP.Đà Nẵng nắm rõ từng đối tượng tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, từ đó liên tục gọi kiểm danh, kiểm diện, răn đe, đẩy đuổi khỏi địa phương.
Trong bối cảnh tội phạm tín dụng đen hoạt động liên tỉnh qua không gian mạng, công an các tỉnh thành cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin để tăng cường giám sát, phát hiện hoạt động bất thường của các ổ nhóm, đối tượng ngoại tỉnh, từ đó ngăn chặn kịp thời các thủ đoạn biến đổi liên tục của loại tội phạm này.
Bình luận (0)