Góc phượt: Về Bàu Trúc, làng gốm lâu đời ở Ninh Thuận

05/03/2016 08:07 GMT+7

Bất chấp cái nắng chói chang gay gắt của tỉnh duyên hải khô hạn nhất miền Trung này, chúng tôi hỏi đường đến làng gốm rồi ghé thăm phòng trưng bày sản phẩm gốm để tìm hiểu các quy trình làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Bất chấp cái nắng chói chang gay gắt của tỉnh duyên hải khô hạn nhất miền Trung này, chúng tôi hỏi đường đến làng gốm rồi ghé thăm phòng trưng bày sản phẩm gốm để tìm hiểu các quy trình làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Ảnh: Minh NhậtẢnh: Minh Nhật
Đón chúng tôi là một cô gái trẻ người Chăm có nụ cười tươi như nắng mùa xuân. Cô kể về khởi thủy làng nghề của mình. Nghề làm gốm do vợ chồng ông Po Klong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa. Để tưởng nhớ công ơn của tổ nghề, người dân địa phương đã lập đền thờ tổ chức cúng tế ông sau dịp lễ hội Ka tê hằng năm vào khoảng tháng 10.
Gốm Bàu Trúc được làm từ đất sét triền sông Quao trộn với cát. Đất chỉ được lấy mỗi năm một lần và thời gian lấy đất kéo dài nửa tháng. Hầu hết mọi người đều đem đất về trữ sẵn tại nhà để dùng trong cả một năm. Đất sét được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ hai đất sét một cát đến khi cho thật mịn và dính lại với nhau.
Ngày nay, tuy khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển nhưng người Chăm ở Ninh Thuận vẫn còn giữ nguyên truyền thống làm gốm thủ công từ vài trăm năm qua. Người dân làng không dùng bàn xoay để tạo hình sản phẩm như những nơi khác mà họ phải đi quanh sản phẩm rồi dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để biến những khối đất thành những sản phẩm độc đáo. Sau đó, người ta dùng tấm vải thấm nước, quấn vào tay chà láng thân gốm và tạo hình miệng sản phẩm. Các sản phẩm được tạo ra khá đa dạng, từ những bức phù điêu hình người phụ nữ Chăm, vũ nữ, tháp Chăm cho đến các vật dụng hằng ngày như nồi đất, bình hoa, đĩa...
Gốm nặn xong đem phơi chỗ râm mát, đến khi khô ráo rồi đem nung. Sản phẩm được nung theo kiểu lò lộ thiên khi người thợ chỉ đơn giản dùng rơm, củi khô chất thành đống rồi đốt. Các sản phẩm không có màu sắc giống nhau như sản xuất dây chuyền. Gốm Bàu Trúc có màu nâu đỏ tự nhiên của đất rồi điểm xuyết các vệt vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu do quá trình cháy xém khi nung đã tạo thành sản phẩm đặc trưng của người Chăm nơi đây.
Nếu có dịp đến với làng gốm Bàu Trúc, bất kỳ du khách nào cũng mua về một vài món đồ dùng bằng gốm dùng cho gia đình hoặc tặng cho người thân, bạn bè. Tuy gốm Bàu Trúc không bắt mắt như những loại gốm khác nhưng sản phẩm lại nhẹ và bền hơn so với các sản phẩm gốm cùng loại. Sản phẩm ở đây chưa bị thương mại hóa nên giá cả rất phải chăng nên du khách không cần phải trả giá khi chọn mua chúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.