'Góc trầm' giữa phố

23/07/2013 09:14 GMT+7

Không chỉ được nghe hát mộc một cách tự nhiên, khách còn có thể ôm guitar hoặc ngồi trước piano để tự mình chơi những bản nhạc đầy ngẫu hứng.

Không chỉ được nghe hát mộc một cách tự nhiên, khách còn có thể ôm guitar hoặc ngồi trước piano để tự mình chơi những bản nhạc đầy ngẫu hứng.

Đêm, tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), trong khi nhiều thanh niên đổ xô đến các tụ điểm náo nhiệt thì ở một góc phố trên đường Tôn Đức Thắng, ban nhạc của Mã Phúc Thiên Phú (28 tuổi) lại chọn cho mình cách giải trí khá cổ điển, đó là chơi guitar và hát mộc cho nhau nghe. “Chúng tôi tụ tập nhau lại dĩ nhiên là vì niềm đam mê với âm nhạc. Nhưng chỉ dành cho thành viên trong nhóm thôi thì lại rất thiếu và bó hẹp, trong khi âm nhạc là sự chia sẻ với những người khác. Chúng tôi hát và sẵn sàng nghe các bạn hát để tạo nên một sân chơi lành mạnh hơn giữa chốn phố thị này”, Thiên Phú trải lòng. “Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời/Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây…”, (Niệm khúc cuối), lời hát của một “ca sĩ” sinh viên cất lên. Nhiều bạn trẻ đến từ rất sớm vỗ tay nhẹ đủ để động viên, số khác nghe được lời “đề-ba” như muốn “rã rời vì yêu” này chạy vội vào để “xem ca sĩ mới nào mà hát hay thế”. Đêm nhạc piano bắt đầu như thế. Phong cách biểu diễn của nhóm được đánh giá là khá mới mẻ và thậm chí “kén” người nghe bởi dòng nhạc acoustic. Nhưng khi có đủ thời gian để “ngấm”, nhiều bạn trẻ ở xa Tam Kỳ, hàng đêm vẫn tìm đến để thưởng thức.


Guitar - hát mộc thu hút các bạn trẻ vì sự cổ điển pha lẫn hiện đại - Ảnh: Hoàng Sơn

Trong không gian trầm lắng với cách bài trí hiện đại, nhóm nhạc thường chơi nhiều bản bất hủ “hút” người nghe của các nhạc sĩ, như: Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên… “Nhiều người hay bảo đó là dòng nhạc sang, giới trẻ ít ưa nhưng với tôi được thả mình vào những bản nhạc như thế thấy mình tĩnh tâm hẳn, cảm giác như đầu óc giãn ra và nghĩ mọi thứ cũng tích cực hơn”, Nguyễn Thành Công (25 tuổi) – một thanh niên thường nghe nhóm Piano biểu diễn nhận định: “Thú vị hơn, khi đến với Piano, khoảng cách giữa người chơi nhạc cụ và người nghe dường như không có”. Không sân khấu hào nhoáng với những nghệ sĩ “khó chạm tay đến”, cũng không sang trọng để giữa mọi người có sự ái ngại, nếu cần ai cũng có thể cầm lấy micro để hát. Để thay đổi “bữa tiệc” âm nhạc, các thành viên trong nhóm Piano cũng chuyển sang thể loại nhạc trẻ để phù hợp hơn với yêu cầu của các “teen”. Nhưng có thay đổi thế nào thì hồn cốt, “chất” mộc vẫn được duy trì. Đó cũng chính sở thích và phong cách mà Piano định hình từ khi mới ra đời.

Trần Văn Mây, tay guitar của nhóm tâm sự: “Tôi thành thục guitar nhưng trống thì chưa chắc, bạn chơi tốt nhạc cụ khác còn tôi thì chơi tốt guitar. Nên đừng e ngại, khi đã đến với Piano thì cũng là khi bạn sẵn sàng nghe tôi chơi và tôi cũng sẵn sàng nghe bạn chơi. Đừng nghĩ đến hay hoặc dở”. Để thỏa niềm đam mê của mình, Mây đã cùng các thành viên gặp gỡ nhau và tạo nên một Piano như hôm nay. Chọn ca khúc cho đúng chủ đề của đêm nhạc, tập luyện cùng nhau, chia sẻ để tìm ra một bản phối hợp là cả một quá trình chuẩn bị công phu của các thành viên trong nhóm.

Đã không ít lần, tôi đến với Piano và được nhiều người nghe chia sẻ, rằng họ có cảm giác được tôn trọng dù giọng hát không hay. Sân chơi âm nhạc đó, do vậy cũng níu chân nhiều người, bất chấp tuổi tác. Có khi người trẻ, người trên 40 tuổi xem nhau như người bạn, nhiều khi đến Piano gặp gỡ, lắng nghe cũng là để đỡ nhớ nhau vậy…

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.