Thuở còn khó khăn, thân cây chuối chát được dùng làm rau và chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình, nhất là đến mùa lũ, khi rau trái bị hư hại do mưa lớn kéo dài. Và, rau chuối trở thành món ăn quen thuộc đối với người dân quê nghèo.
>> Về Tân Triều ăn gỏi bưởi
>> Dân dã gỏi măng
Bóc lớp bẹ già phía bên ngoài rồi dùng dao sắc thái mỏng lõi non phía trong thân chuối và cho vào ngâm trong nước để giảm bớt nhựa.
|
Sau đó, vớt rau ra rổ rồi trộn với các loại rau xanh, thế là ta đã có món rau sống chuối chát “hút” mắm suốt cả bữa cơm. Rau sống chuối chát ăn kèm với thịt heo luộc thì quả là tuyệt vời. Vị béo từ thịt sẽ giảm đáng kể nên ăn không biết ngán. Có lẽ vì thế mà những bà nội trợ khéo tay đã tìm tòi và chế biến món gỏi chua rau chuối đậm chất dân dã như tính cách của người dân quê nghèo.
Lõi chuối non thái mỏng, ngâm trong nước lã rồi vớt ra và vắt nhẹ tay cho ráo nước. Thịt heo luộc thái mỏng, cho vào trộn đều với rau chuối cùng với nước cốt chanh, muối, tiêu, đường, bột ngọt và tỏi giã dập. Sau đó gắp ra đĩa và rắc lạc rang giã dập lên trên, điểm vài nhánh rau thơm, dăm lát ớt chín thái mỏng cho món gỏi thêm phần bắt mắt. Món gỏi chua rau chuối có thể ăn kèm với bánh tráng (bánh đa) hay cơm đến no mà chẳng muốn dừng. Vị béo của thịt hòa cùng vị chát dịu từ rau chuối xen lẫn vị chua của nước cốt chanh, hương vị béo thơm của lạc rang... làm ngỡ ngàng những thực khách lần đầu thưởng thức. Món gỏi vừa dai lại vừa giòn bởi thịt và rau chuối như giục giã khẩu vị, thêm phần âm sắc.
Món gỏi chua rau chuối được xem là món ăn của người nghèo, khiêm nhường khi nằm cạnh những món ngon khác, nhưng khiến thực khách nhớ mãi khi được thưởng thức. Hương thơm đồng nội với sản vật nuôi trồng nơi quê nghèo làm bâng khuâng cõi lòng những người con xa xứ khi nhớ về những bữa cơm gia đình trong tháng ngày cơ cực. Nơi ấy có người mẹ nghèo dạo quanh xóm tìm xin thân cây chuối chát để chế biến món gỏi ấm dạ con thơ trong ngày mưa lũ...
Trang Thy
Bình luận (0)