Đầu tiên là người ta xắt từng miếng khá dày, lẫn với phần dưới cuống lá, bóp nhẹ muối, vắt ráo, trộn chút giấm đường. Loại này được người bán thịt heo quay hoặc gà vịt quay cho khách mua ăn kèm. Còn món khoái khẩu hơn là củ cải trắng chẻ làm tư cho vô hũ mắm. Mấy bữa sau, mắm ngấm vào cải, cứ việc dỡ ra ăn không cần pha chế gì thêm, cũng ngon, dưa mắm đứng hàng thứ nhì. Đơn giản hơn, củ cải trắng cắt từng khúc ngắn chừng hai lóng tay, chẻ tư hoặc chẻ sáu đem phơi một hoặc hai nắng. Khi chúng heo héo, đem nhận vô keo thủy tinh, chế nước mắm ngon hoặc nước tương thượng hạng cho ngập. Hôm sau ăn suông với cơm lúa mới, chẳng cần dặm thêm món nào mà vẫn no căng bụng. Còn củ cải trắng dùng dao bào xắt lát mỏng bóp muối, vắt kiệt nước, cho vô keo, ém chặt, đổ giấm pha chút đường vô. Sáng làm, chiều vớt ra dĩa, khi ăn cơm, chấm với nước cá hoặc thịt kho cũng ngon thấu trời.
Nhưng người Cầu Kè còn một thức ăn (hoặc món nhậu) làm khá công phu, trong đó có sự hiện diện của củ cải trắng. Đó là món gỏi củ cải trắng cá lóc nướng trui (ảnh). Củ cải trắng xắt dao bào (hoặc thái sợi) bóp nhẹ muối. Cá lóc nướng trui (hoặc cá lóc luộc cũng được, nhưng không ngon bằng), rỉa lấy thịt. Cho cả hai vào đĩa cùng rau răm hoặc rau thơm và đậu phộng rang. Trộn tất cả với hỗn hợp nước mắm giấm đường, cho ra đĩa, sắp mấy lát cà chua cho đẹp và ngon miệng khi ăn, là đã có món ăn hiếm thấy địa phương nào có.
Nói chung, với vị hăng hăng nồng và cay cay, củ cải trắng đã hấp dẫn thực khách với những món ăn có sự hiện diện của nó. Bữa cơm hoặc bữa nhậu thêm phần rôm rả. Nhưng, củ cải trắng còn có tính dược. Theo Đông y, ăn củ cải trắng giúp chữa các bệnh: ho, hen, đàm suyễn, tức ngực, khan tiếng, đau vùng thượng vị, ợ chua, nôn, ăn không tiêu, chướng bụng, táo bón...
Bài, ảnh: Phương Kiều
Bình luận (0)