Gói hỗ trợ 2% lãi suất chưa đến tay doanh nghiệp

Mai Phương
Mai Phương
02/07/2022 07:16 GMT+7

Sau hơn 1 tháng từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% cho 11 nhóm ngành và lĩnh vực, các doanh nghiệp tiếp cận được hầu như vẫn khá ít.

Doanh nghiệp vẫn ngóng được hỗ trợ

Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Long An), hụt hẫng khi cho biết hiện nay lãi suất (LS) vay vốn từ ngân hàng (NH) theo hình thức hộ kinh doanh của ông vẫn ở mức 9%/năm. Ông từng hỏi NH xem có được hỗ trợ giảm 2% LS theo thông tin từ phía Chính phủ nhưng NH bảo không được. Trong khi đó, thanh long năm nay khi thu hoạch có giá bán rất thấp, chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg khiến nông dân hầu như thua lỗ. Vì vậy, có nhiều hộ đã nhổ bỏ, chuyển sang trồng cây hoa màu khác hoặc không chăm sóc, để hư hại… “Tôi vay để trồng thanh long, lĩnh vực nông nghiệp nghe cũng nằm trong nhóm ngành được hỗ trợ LS nhưng phía NH lại nói không được nên không hiểu vì sao? Chắc để hỏi lại lần nữa. Nếu được giảm 2% LS thì cũng đỡ được đồng nào hay đồng đó trong lúc các chi phí đều lên cao quá”, ông An nói.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm

Ngọc Thắng

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, LS tiền vay hiện của công ty ở mức cao nhất là 9%/năm và công ty cũng chưa nghe thông báo gì về chương trình hỗ trợ. Ước tính dư nợ hiện tại khoảng 10 tỉ đồng, nếu được giảm LS về còn 7%/năm tương đương giảm được 15 - 16 triệu đồng/tháng. Đỡ một phần gánh nặng chi phí bởi thời gian qua giá xăng dầu tăng liên tục khiến các công ty vận tải gồng mình trong hoạt động. Nhưng hiện doanh nghiệp (DN) chỉ dám vay ngắn hạn theo từng đợt để phục vụ hoạt động, không dám vay trung dài hạn đầu tư mới khi việc kinh doanh vẫn chưa phục hồi như trước thời điểm có dịch Covid-19. Do vậy, ông cũng băn khoăn không biết những khoản vay đã được giải ngân từ đầu năm có được NH giảm lãi hay không? “Hầu hết mọi ngành nghề đều thiệt hại do đại dịch Covid-19. Vì vậy có thể xem xét mở rộng đối tượng được hỗ trợ để đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế. Song song đó, nếu xác định các nhóm ngành bị thiệt hại nặng nề hơn thì có thể xây dựng thêm một số chính sách giảm thuế, phí liên quan. Khi các ngành đều phục hồi thì tình hình hoạt động của công ty vận tải như Kim Phát cũng sẽ cải thiện hơn so với tình hình còn khá ảm đạm như hiện nay...”, ông Thanh đề xuất.

Chờ tháo gỡ nhiều khó khăn

Biết chương trình hỗ trợ cấp bù LS 2% nhưng theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, công ty ông chưa làm thủ tục để xin giảm LS. Thế nhưng, hầu hết tất cả NH có quan hệ đều thông báo đã tăng LS cho vay. Ví dụ trước đây các khoản vay có LS gần 7%/năm thì nay lên 8%/năm. Nếu được giảm LS 2% thì DN sẽ còn trả 6%/năm. Về bản chất mức hỗ trợ này cũng giúp giảm chi phí tài chính cho các công ty nhưng không đúng như kỳ vọng ở mức 2% mà chỉ giảm được 1% so với năm trước, khoản tiền được giảm không quá lớn. “Chủ yếu năm nay các DN chỉ vay vốn lưu động ở mức vài tỉ đồng, còn chưa mạnh dạn vay đầu tư máy móc, nhà xưởng. Số tiền vay đó nếu được giảm LS cũng chỉ loanh quanh khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng”, ông Tống nói và kể thêm, có DN hội viên của Hội Cơ khí - Điện TP.HCM gặp khó khăn vì hơn 1 năm qua vẫn chưa làm được thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền lên đến vài tỉ đồng. “DN được hỗ trợ trong lúc này rất quý vì các loại chi phí đầu vào đang tăng cao. Thế nhưng, việc được giảm LS chỉ vài triệu đồng mỗi tháng nhưng bị giam số tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào quá lâu cũng khiến chi phí tài chính của các công ty cao gấp nhiều lần. Vì vậy, tôi mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước, trong bối cảnh hiện nay cần đẩy nhanh các thủ tục trong nhiều vấn đề để gỡ vướng cho DN, giúp họ giảm được các chi phí trong hoạt động thì sẽ tốt hơn nhiều phải chi tiền ngân sách để hỗ trợ”, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ thêm.

Theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ LS từ ngân sách nhà nước, đối tượng được hỗ trợ LS 2%/năm là các DN, HTX, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg; các đơn vị có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Riêng đối với hãng hàng không Vietravel và Công ty CP du lịch và tiếp thị giao thông vận tải VN (Vietravel) thì lại đang chờ được vay, mới tính đến câu chuyện có giảm LS 2% hay không. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, phân tích: Chính sách bù 2% LS là hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa lớn cho DN. Nếu được giảm thì với số vốn đang vay, cả hãng hàng không và công ty du lịch Vietravel có thể giảm được 7 - 8 tỉ đồng/tháng. Thế nhưng, với khoản vay đã giải ngân trong đầu năm nay thì nhờ có quan hệ tín dụng lâu năm, NH đã xét cho vay với LS 6,2%/năm, thấp hơn với LS 6,7%/năm của khách hàng khác nên chiếu theo quy định lại không được áp dụng giảm LS 2% nữa. Trong khi đó, khi hỏi vay mới hầu hết các NH đối tác của công ty đều cho biết vẫn đang chờ NH Nhà nước phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, công ty vẫn đang chờ để có được khoản vay mới thì lúc đó mới được theo chương trình hỗ trợ bù LS 2%/năm.

“Điều này thật oái ăm. Bởi lẽ khoản vay đã giải ngân chỉ được giảm chút xíu nhờ là đối tác lâu năm với NH thì lại không được hưởng hỗ trợ từ nhà nước. Đáng lẽ quy định phải áp dụng cho cả khoản vay đã được hưởng ưu đãi có thể tiếp tục được ưu đãi thêm một phần nữa cho đến mức 2%/năm thì mới mang tính hỗ trợ cho DN đang gặp nhiều khó khăn để khôi phục hoạt động. Nói chung, đến giờ này công ty vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ bù 2% LS”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh. Cũng theo ông Kỳ, mặc dù các nhóm ngành như du lịch, hàng không nằm trong diện được hỗ trợ LS nhưng sẽ không chắc nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn. Bởi nhiều công ty đã không còn tài sản để thế chấp cho khoản vay mới hay nói cách khác vẫn không đáp ứng được điều kiện cho vay của NH. Do đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất Chính phủ có thể xem xét nên có những gói cho vay với các điều kiện cho vay riêng mà không cần tài sản thế chấp. Ví dụ đó là các DN có số lượng lao động lớn lên đến hàng ngàn người; có doanh thu lớn trước dịch và có tính lan tỏa cho nhiều ngành nghề, kết nối với các ngành hoặc tùy theo xếp hạng tín nhiệm DN để NH có thể tiếp tục cho vay giúp các công ty khôi phục hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.