Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng: “Cháy máy” vì thắc mắc đối tượng, thủ tục

Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng: “Cháy máy” vì thắc mắc đối tượng, thủ tục

01/05/2020 06:44 GMT+7

Trong nỗ lực triển khai nhanh gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ đến các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid -19, một số địa phương cho biết đang gặp những vướng mắc cần sớm giải đáp.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, ngoại trừ các nhóm đối tượng: người có công; bảo trợ xã hội; nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ trước với kinh phí hơn 505 tỉ đồng, các đối tượng còn lại trong quá trình rà soát và triển khai thực tế phát sinh một số vướng mắc, đặc biệt là nhóm người lao động (LĐ) bị tạm dừng hợp đồng và LĐ tự do, nên Hà Nội đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ LĐ-TB-XH đề nghị sớm cho ý kiến để “gỡ rối”, đẩy nhanh tiến trình triển khai thực hiện.

Thận trọng để không có sai sót

“Theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ, người LĐ làm việc tại các doanh nghiệp (DN) không có doanh thu được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát, một số DN do ảnh hưởng của dịch bệnh đã thỏa thuận với người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương nhưng vẫn duy trì một bộ phận nhỏ sản xuất kinh doanh. Dù vẫn còn doanh thu nhưng thực sự họ khó khăn, không thể hỗ trợ cho người LĐ. Như vậy, người LĐ trong các DN này có được xem xét hỗ trợ hay không?”, ông Dân nêu một vướng mắc mà TP đang cần xin ý kiến.

Công nhân ở TP.HCM tan ca - ẢNH: LAM NGỌC

Đường dây nóng giải đáp thắc mắc

Để giải đáp những vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng kịp thời, hôm qua (30.4), Bộ LĐ-TB-XH công bố đường dây nóng qua tổng đài quốc gia 111; đồng thời công bố các số điện thoại tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, gồm: 0913.049.567 - 0977.976.686 - 0913.378.816. Tổng đài chính thức hoạt động từ hôm nay 1.5.
Với LĐ tự do, theo ông Dân, các tiêu chí, điều kiện đưa ra chưa rõ ràng khiến nhiều LĐ thắc mắc, địa phương rất khó xác định đối tượng không có giao kết hợp đồng LĐ. “Mấy ngày nay, điện thoại tôi gần như “cháy máy”, từ tổ trưởng tổ dân phố, đến cán bộ cấp xã phường gọi điện thắc mắc về đối tượng, thủ tục. Dưới địa phương không dám mở rộng đối tượng, sợ sai, nên chúng tôi phải thận trọng chờ thêm hướng dẫn cụ thể rõ ràng của Bộ LĐ-TB-XH”, ông Dân cho hay.
Không chỉ vướng về xác định đối tượng, Hà Nội còn vướng về trình tự thủ tục hỗ trợ. “Quyết định nêu người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong các DN thì DN phải gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở để xem xét trình chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách và thực hiện hỗ trợ. Thực tế, có những DN có trụ sở tại Hà Nội nhưng các chi nhánh, nhà máy, cửa hàng… lại nằm rải rác ở các tỉnh khác, sử dụng hàng nghìn LĐ ở địa phương... Vậy, số LĐ này Hà Nội có phải hỗ trợ hay không?”, ông Dân nêu vấn đề.

Khuyến khích sớm hỗ trợ LĐ tự do

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến chiều 30.4, về cơ bản các địa phương đã triển khai thực hiện chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân cho biết: “Trong những ngày qua, chúng tôi đã nhận được hơn 200 câu hỏi của người dân và các địa phương liên quan chính sách hỗ trợ. Bộ LĐ-TB-XH đã tập hợp đội ngũ các chuyên gia trong lĩnh vực LĐ, việc làm, người có công, bảo trợ xã hội... để xây dựng bộ hỏi đáp theo các nhóm vấn đề liên quan đến gói hỗ trợ”.
Theo ông Quân, không phải người LĐ nào mất việc làm, giảm thu nhập trong dịch Covid-19 cũng được hỗ trợ. “Chúng ta chỉ hỗ trợ theo nguyên tắc hỗ trợ người bị ảnh hưởng sâu, mất việc làm, người dân mất sinh kế, nhưng có mức sống, mức thu nhập dưới mức tối thiểu. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chính sách. Do đó, nếu người hưởng thuộc nhiều đối tượng thuộc nhiều chính sách khác nhau sẽ được chọn và hưởng một chính sách cao nhất”, ông Quân lưu ý.
Về nhóm LĐ tự do không có hợp đồng LĐ, theo ông Quân, sẽ lấy mức thu nhập chuẩn nghèo để đối chiếu. Những người là LĐ tự do nhưng có mức thu nhập tốt, có mức sống trên chuẩn nghèo cũng không được nhận hỗ trợ. Bộ LĐ-TB-XH cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm trưởng ban.
Trước lo ngại về việc trục lợi chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định danh sách hỗ trợ sẽ được công khai, có sự tham gia giám sát của cán bộ MTTQ ngay từ đầu để giảm khiếu kiện. Đây là tiền từ ngân sách, nên cả xã hội sẽ giám sát và cơ quan chức năng sẽ xử lý rất nghiêm vi phạm trục lợi chính sách này nếu phát hiện. Đối tượng LĐ tự do là nhóm đối tượng khó khăn nhất, đang cần hỗ trợ trong thời điểm này. Vì vậy, khuyến khích các địa phương thực hiện hỗ trợ LĐ tự do sớm nhất có thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.