Năm 2004, Trung tâm Công nghệ sinh học (HCMBIOTECH, thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM) được thành lập, PGS-TS Dương Hoa Xô làm giám đốc giai đoạn 2004 - 2020, và hiện là Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP.HCM. Từ nhận diện những bất cập trong chính sách thu hút người tài, vị chuyên gia này cũng gợi mở nhiều cách làm sát thực tiễn, tính khả thi cao khi trả lời Thanh Niên.
Lương giảm hơn 10 lần
Những năm đầu thế kỷ 21, chính sách thu hút chuyên gia của TP.HCM có gì nổi bật?
Từ những ngày đầu thành lập HCMBIOTECH đến khi tôi nghỉ hưu, gần 17 năm tôi gắn bó với trung tâm này. Thời điểm năm 2004, khi bắt đầu xây dựng thì gặp rất nhiều khó khăn bởi công nghệ sinh học là lĩnh vực khoa học công nghệ mới hoàn toàn, kiến thức chúng ta còn hạn hẹp dù thế giới đã tiến xa. Chính vì vậy, rất cần sự tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, kể cả kiều bào ở nước ngoài.
Lúc đó, TP.HCM mạnh dạn thí điểm nhiều cơ chế rất thoáng. Năm 2004, TP.HCM đã bổ nhiệm TS Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada), chuyên gia về công nghệ sinh học làm Phó giám đốc HCMBIOTECH với mức lương 1.000 USD/tháng, trong khi lương nhân viên trung tâm bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đó cũng là trường hợp chưa có tiền lệ ở TP.HCM.
Đến năm 2014, chính sách thí điểm được mở rộng ra 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Viện Công nghệ tính toán, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và HCMBIOTECH. Lúc này, TP.HCM cho phép trả lương tối đa cho chuyên gia 150 triệu đồng/tháng. Giai đoạn này, riêng HCMBIOTECH mời gọi được 4 chuyên gia về làm việc, mỗi năm làm 2 - 3 tháng.
Như vậy, cứ có chính sách đãi ngộ cao thì sẽ thu hút được người tài?
Điều đó đúng, nhưng không phải tất cả. Cơ chế lúc đó rất thoáng, đơn vị có nhu cầu mời gọi chuyên gia được quyền chủ động tìm chuyên gia theo lĩnh vực đơn vị đang cần, trao đổi thỏa thuận nội dung và phương thức hợp tác làm việc, sau đó trình lên TP là được thông qua, khá nhanh gọn. TP không phải lập một hội đồng xét duyệt nào cả.
Đến năm 2019, một quy trình thu hút chuyên gia, nhân tài rất bài bản được đưa ra nhưng kết quả thu được thì quá khiêm tốn. Các bước xét duyệt của quy định này dễ làm cho chuyên gia e ngại bởi các thủ tục phức tạp. Dù trước đó đã có nhiều ý kiến góp ý nên đơn giản hóa thủ tục.
Quy định mới phải qua nhiều bước, nhiều sở ngành cùng tham gia nên mất thời gian. Có khi chờ hồ sơ đầy đủ, hội đồng phê duyệt thì chuyên gia cũng thấy mệt mỏi.
Theo quy định mới, người tài được nhận ngay 100 triệu đồng, lương theo hệ số, hỗ trợ tiền nhà ở, phụ cấp kinh phí nghiên cứu, ông đánh giá đã đủ hấp dẫn?
Theo quy định mới, chuyên gia hưởng hệ số 8,8 hoặc 9,4, tính ra cao nhất chỉ được 13,5 triệu đồng. So với mức trước đây lên đến 150 triệu, thì nay chỉ bằng 1/10. Mức lương đó khiến chuyên gia cảm thấy không phù hợp, chất xám của họ chưa được coi trọng dù bản thân họ rất muốn cống hiến cho đất nước.
Cũng cần nói thêm rằng chế độ đãi ngộ cho cán bộ khoa học trong nước chưa phù hợp, dẫn đến chảy máu chất xám. Hồi còn làm Giám đốc HCMBIOTECH, có những năm số cán bộ nghỉ việc cao hơn số nhận vào, tuyển được 15 người nhưng có đến 20 người nghỉ việc. Một số cán bộ có trình độ tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về trung tâm làm việc được 1 - 2 năm rồi đi xin chuyển qua chỗ có mức lương cao hơn.
Cơ chế linh hoạt
TP.HCM có chính sách thưởng 1% đối với nghiên cứu được thương mại hóa, tối đa 1 tỉ đồng là mức thưởng khá hậu hĩnh?
Theo tôi biết thì chưa ai được hưởng đãi ngộ này, và trên thực tế rất khó được hưởng. Làm gì có chuyện nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ trong vài năm đã có kết quả để đi thương mại hóa. Cơ chế này ban đầu nghe thì tưởng là hay nhưng thực tế lại khó áp dụng. Do đó, tùy theo mỗi đơn vị có nhu cầu mời gọi chuyên gia và làm việc với những mục tiêu, nội dung đặt hàng cụ thể và trả thù lao xứng đáng trực tiếp, chứ không cần đợi đến mức thưởng 1% cho chuyên gia.
Như vậy, theo ông thì cơ chế phải linh hoạt?
Tôi cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục, giao quyền tự chủ cho đơn vị có nhu cầu. Đơn vị đó phải chủ động tìm kiếm, lựa chọn chuyên gia, phỏng vấn, trao đổi về những công việc cụ thể, trong thời gian nhất định và thương lượng mức thù lao theo quy định của TP nhưng phải phù hợp, không nên quá thấp như vừa rồi.
Trên cơ sở lấy ý kiến các sở chuyên ngành thì TP quyết định nhanh. Mặt khác, hình thức làm việc của chuyên gia cũng phải linh động, vừa trực tiếp hoặc vừa online, quan trọng là kết quả đầu ra. Đặc biệt, không nên bó buộc chuyên gia làm việc như công chức, viên chức.
Việc linh động thì thuận lợi cho đơn vị thu hút chuyên gia, nhưng nếu không có sản phẩm đầu ra cụ thể thì dễ tùy tiện, lãng phí?
Cái đó tôi đồng ý. Mình cần quản lý chặt chẽ. Ví dụ như chuyên gia hỗ trợ công nghệ trong một thời gian, khi kết thúc thì kết quả cần được nghiệm thu bài bản chứ không thể tùy tiện được. Việc sử dụng ngân sách nhà nước cần rõ ràng, minh bạch.
Người tài cần có đất để dụng võ, môi trường làm việc cần đáp ứng những gì?
Trước hết, người lãnh đạo đơn vị đó phải có tâm và có trình độ. Khi chuyên gia về làm việc trong môi trường thân thiện, hiệu quả sẽ cao. Môi trường làm việc ở đây là cơ chế làm việc. Đơn giản như chuyện mua hóa chất thí nghiệm, nếu như ở nước ngoài thì chỉ 1 tuần sau là có. Nhưng ở mình thì phải có kế hoạch kinh phí, đặt hàng từ đầu năm, đấu thầu mất 3 - 6 tháng, đến khi hàng về thì tiến độ công việc bị chậm.
Để thu hút chuyên gia đạt kết quả thực chất thì chính sách cần điều chỉnh gì?
Các quy định thủ tục mời gọi chuyên gia phải thực sự đơn giản và giao quyền chủ động cho đơn vị có nhu cầu, cùng cơ chế trả lương xứng đáng và phù hợp với điều kiện sinh hoạt hiện nay tại TP. Chưa kể hiện nay chúng ta cũng chưa tận dụng hết lực lượng chuyên gia trong nước. Có rất nhiều nhà khoa học đã nghỉ hưu nhưng còn tâm huyết, còn cống hiến được thì cũng cần có chính sách đãi ngộ thu hút riêng.
Sẽ điều chỉnh đãi ngộ phù hợp mức sống
Quyết định 17/2019 của UBND TP.HCM thu hút người tài vào 12 lĩnh vực, đến nay có 5 chuyên gia làm việc tại Khu Công nghệ cao. Những chuyên gia, nhà khoa học được mời về đã kết nối các trung tâm nghiên cứu khoa học, tham gia vào quá trình bồi dưỡng, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đơn vị đang công tác.
Đối với đô thị đặc thù như TP.HCM, các chế độ, chính sách đãi ngộ hiện vẫn chưa đủ để thu hút, giữ chân trí thức, nhất là có trình độ cao trong bộ máy nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu so với khu vực tư nhân thì mức chênh lệch khá lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài.
Do đó, trong thời gian tới cần điều chỉnh về chính sách thu nhập cho chuyên gia, điều kiện làm việc, quy trình, cách thức tuyển chọn phải nhanh gọn, tạo điều kiện cho nhà khoa học, chuyên gia làm việc.
Ông Lâm Hùng Tấn (Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM)
Tạo hệ sinh thái cho người tài
Thời gian qua, tỷ lệ đặt hàng nghiên cứu khoa học của TP.HCM tăng từ hơn 40% lên 64%. Sở KH-CN đang phối hợp các đơn vị tham mưu UBND TP.HCM lập Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị sự nghiệp công lập, là nơi giải quyết những vấn đề công nghệ của TP.
Thời gian qua, các nghiên cứu còn rời rạc, chưa tập trung. Mô hình này sẽ tập hợp nhà khoa học giải quyết các bài toán lớn, đầu ra của viện là các sáng chế, doanh nghiệp start-up, thương mại hóa sản phẩm. Các lĩnh vực tập trung gồm internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, hệ thống thông tin địa lý, hạ tầng tính toán… và liên kết các đại học lớn.
Ông Lê Thanh Minh (Phó giám đốc Sở KH-CN TP.HCM)
Bình luận (0)