Gói phục hồi kinh tế không thể chậm thêm

Anh Vũ
Anh Vũ
25/05/2022 04:18 GMT+7

5 tháng kể từ khi được Quốc hội thông qua, gói phục hồi kinh tế - xã hội quy mô lớn nhất lịch sử đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu, dù cơ chế đặc thù đã được trao, tiền đã sẵn sàng và Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm cao độ…

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ, từ yếu tố khách quan do dịch bệnh đến việc xây dựng các chính sách mới và cả yếu tố con người, sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Song, với tính cấp bách của nó, rõ ràng đến nay như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Quốc hội (QH) cho phép tăng bội chi và bổ sung vốn ngân sách (tổng gần 347.000 tỉ đồng) cho gói kích cầu nhưng Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 hơn 18.349 tỉ đồng là điều rất đáng lo ngại.

Đáng chú ý, các dự án bổ sung dự toán đều đã có trước đó (nằm trong chương trình đầu tư công trung hạn đến năm 2025), nghĩa là vẫn chưa có dự án mới nào của chương trình được phân bổ vốn. Tiền đã có nhưng một lần nữa chúng ta lại rơi vào nghịch lý… không thể tiêu được!

Chậm giải ngân thì kinh tế không thể phục hồi. Nhà nước đi vay tiền đầu tư, ngân sách bội chi còn tiền thì không đến được với người dân, doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn, khát vốn. Cùng với đó, “bóng ma” lạm phát đang nhăm nhe quay trở lại. “Vòng xoáy” này càng mạnh hơn, đẩy nền kinh tế vào nguy cơ bất ổn.

Báo cáo trước QH, Chính phủ cũng thừa nhận việc chậm triển khai gói phục hồi. Trong đó có nguyên nhân năng lực của cán bộ, có nơi có lúc còn lúng túng, chưa chủ động, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải liên tục có 3 công điện thúc các bộ, ngành sớm trình các chính sách để triển khai. Thậm chí, ngay việc giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ cũng ra quyết định thành lập 6 tổ công tác để đôn đốc từng nơi ì ạch, chậm tiến độ.

Kết quả thì vẫn chưa như mong đợi. Đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết, theo Ủy ban Kinh tế, căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi theo hình chữ V, thì chúng ta lại đang chậm nhịp, đi lên theo mô hình chữ U. Trước khi có gói kích thích quy mô lịch sử này, chúng ta cũng không có một biện pháp kích thích kinh tế đáng kể nào trong suốt hai năm dịch bệnh, không có gói kích thích nào bằng “tiền tươi thóc thật” đủ để tạo ra hiệu ứng về cầu. Nay có rồi nhưng chậm giải ngân càng làm mất đà để phục hồi nhanh.

Giải pháp nào để tháo gỡ sẽ là câu hỏi để các đại biểu phân tích, mổ xẻ trong các phiên thảo luận sắp tới, nhưng nhìn từ sự chuyển động của các bộ, ngành cũng có nhiều vấn đề cần phải đặt ra. Trên thông dưới tắc, trên nóng dưới lạnh, thiếu quyết liệt, không sẵn sàng lao vào tháo gỡ thì rất khó để “gói phục hồi” lịch sử này tạo ra được cú hích cho nền kinh tế.

Và quan trọng hơn cả, với bất cứ chính sách nào, cần phải quy được trách nhiệm cho mỗi cấp bộ, ngành, có lộ trình, có khung thời gian rõ ràng, và có kết quả bằng sản phẩm đầu ra cụ thể. Thậm chí là “chấm điểm” bằng sự hài lòng, phản hồi của người dân và doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.